Ngày 20-4-2018, UBND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai giao dự toán chi khám, chữa bệnh (KCB) từ quỹ BHYT năm 2018. Đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Năm 2017, BHXH tỉnh đã phối hợp với Sở Y tế giao kế hoạch chi KCB BHYT theo quỹ KCB cho từng cơ sở KCB trên địa bàn và xây dựng phương án nhằm đảm bảo an toàn quỹ KCB BHYT của tỉnh. BHXH tỉnh giao trách nhiệm kiểm soát chi phí KCB cho từng phòng chức năng; hoàn thành duyệt danh mục gần 300 cơ sở KCB BHYT của tỉnh thuộc 40 đầu mối hợp đồng. Tăng cường kiểm soát chuyển tuyến KCB và ngày, giường điều trị nội trú; yêu cầu các cơ sở KCB chuyển tuyến thực hiện đúng các quy định tại Thông tư số 14. Đối với các trường hợp được chuyển tuyến trên trong tình trạng người bệnh phù hợp với dịch vụ kỹ thuật của đơn vị đã được Sở Y tế phê duyệt thì phần chi phí đa tuyến đi của những bệnh nhân trên được coi là nguyên nhân chủ quan trong phần kinh phí vượt quỹ KCB của đơn vị. Tăng cường công tác kiểm tra người bệnh nằm điều trị nội trú, kiên quyết từ chối chi phí KCB của người bệnh điều trị nội trú nhưng không nằm viện. Tham gia các khâu trong đấu thầu tập trung thuốc tại tỉnh, kiên quyết từ chối các thuốc có hàm lượng lạ, có giá cao bất hợp lý; giảm từ 5-10% chi phí thuốc biệt dược gốc so với năm 2016. Do kiểm soát tốt công tác KCB BHYT, tổng chi KCB cho bệnh nhân có thẻ BHYT do tỉnh phát hành đạt 1.539 tỷ đồng, bằng 98,9% kế hoạch giao. Thực hiện Quyết định số 17/QĐ-TTg ngày 2-3-2018 về việc “giao dự toán chi khám bệnh, chữa bệnh BHYT năm 2018” của Thủ tướng Chính phủ; BHXH tỉnh Nam Định xây dựng Dự toán chi KCB BHYT năm 2018. Cụ thể: Tổng số chi KCB BHYT năm 2018 toàn tỉnh là 1.716,113 tỷ đồng; trong đó: chi KCB tại tỉnh là 921,739 tỷ đồng (bao gồm cả chi KCB BHYT cho bệnh nhân đa tuyến đến; chi chăm sóc sức khỏe ban đầu); chi KCB đa tuyến đi là: 794,374 tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Lê Đoài nêu rõ: Để chủ động sử dụng và cân đối nguồn kinh phí từ quỹ KCB BHYT do Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 17/QĐ-TTg ngày 2-3-2018, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành: BHXH tỉnh, Sở Y tế, Sở Tài chính, Công an tỉnh; UBND các huyện, thành phố thực hiện tốt các nhiệm được giao. Sở Y tế tăng cường công tác chỉ đạo, giám sát các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn tỉnh thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế về quy chế chuyên môn, quy trình kỹ thuật bệnh viện và thực hiện có hiệu quả kế hoạch nâng cao chất lượng công tác KCB trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020, đảm bảo tốt quyền lợi người bệnh; chống lạm dụng, trục lợi quỹ KCB BHYT. Kiểm tra hiệu quả công tác KCB BHYT của các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn theo phân cấp quản lý Nhà nước, nhất là các trạm y tế xã, phường, thị trấn. Chỉ đạo các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn tỉnh nâng cao tinh thần phục vụ và chất lượng KCB, đáp ứng nhu cầu KCB của người dân; tập trung phát triển các dịch vụ kỹ thuật cao phục vụ người bệnh tại chỗ, giảm thiểu người bệnh phải chuyển tuyến trên. Lựa chọn, sử dụng các dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế phù hợp với tình trạng bệnh lý nhằm sử dụng quỹ KCB BHYT tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với khả năng chi trả của nguồn quỹ KCB BHYT được giao. BHXH tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền về chính sách BHYT, để mọi người, mọi cơ quan, đơn vị nhận thức đúng về BHYT là chính sách an sinh xã hội mang tính nhân đạo, tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc, là cơ chế tài chính có hiệu quả để chăm sóc sức khỏe cho người dân; vì lợi ích chung của mọi người dân, của Nhà nước, tránh lãng phí, lạm dụng quỹ BHYT và tích cực tham gia BHYT. Đẩy nhanh tiến độ bao phủ BHYT. Phấn đấu đạt chỉ tiêu dân số có BHYT do Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28-6-2016; giảm tỷ lệ nợ đọng BHYT. Triển khai đồng bộ Hệ thống thông tin giám định BHYT, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa các cơ sở y tế, cơ quan BHXH và các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Tăng cường giám định hồ sơ chi phí KCB BHYT trên Hệ thống thông tin giám định BHYT để kiểm soát chi phí, chống lạm dụng và trục lợi quỹ KCB BHYT. Phối hợp với Sở Y tế tham gia vào các khâu của quá trình đấu thầu mua sắm thuốc; kiểm soát chặt chẽ chi phí vật tư y tế tiêu hao, đặc biệt là các vật tư có giá cao, tái sử dụng. Thực hiện thẩm định nguyên nhân vượt quỹ KCB BHYT tại các cơ sở KCB BHYT, báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định việc bù chi phí vượt quỹ KCB BHYT được giao. Sở Tài chính đảm bảo đầy đủ, kịp thời kinh phí mua thẻ BHYT cho các đối tượng được ngân sách Nhà nước đóng, hỗ trợ đóng theo quy định. Không để xảy ra tình trạng thiếu nợ kinh phí làm ảnh hưởng đến quỹ KCB BHYT của tỉnh và việc KCB cho người bệnh BHYT. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan BHXH và các ngành liên quan trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền, tăng diện bao phủ BHYT; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng quỹ KCB BHYT trên địa bàn, nhất là chi KCB tại trạm y tế xã, phường, thị trấn. Đảm bảo sử dụng quỹ KCB BHYT tiết kiệm, hiệu quả cho công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân./.
Viết Thắng