Chiều 16-4-2018, Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Đồng chí Trương Anh Tuấn, TUV, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện một số sở, ngành liên quan của tỉnh.
Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) gồm 10 chương và 123 điều, quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tố tụng cạnh tranh; biện pháp xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh; quản lý Nhà nước về cạnh tranh. Tại hội nghị, các đại biểu tập trung góp ý kiến vào các vấn đề: thị trường liên quan và thị phần, thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, hành vi cạnh tranh không lành mạnh, Ủy ban cạnh tranh quốc gia, tố tụng trong cạnh tranh. Trong đó, một số ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật Cạnh tranh cần có thêm các điều khoản quy định vai trò, trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong hoạt động cạnh tranh; tiêu chuẩn, điều kiện đối với Chủ tịch Hội đồng Ủy ban cạnh tranh quốc gia, điều tra viên xử lý vụ việc cạnh tranh. Dự thảo Luật vẫn còn thiếu các chế định, chế tài xử lý vụ việc cạnh tranh, nhất là đối với doanh nghiệp nước ngoài vi phạm. Bên cạnh đó, thời hạn ra quyết định và điều tra, xử lý của cơ quan cạnh tranh quốc gia là quá dài. Cụ thể, Điều 21 (Quyết định về hưởng miễn trừ) Dự thảo quy định: 60 ngày để cơ quan này ra quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận cho hưởng miễn trừ và còn có thể gia hạn thêm 60 ngày. Với 120 ngày để xem xét hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ là quá dài. Ngoài ra, các từ ngữ sử dụng ở các điều khoản trong Luật cần chính xác, chặt chẽ mang tính định lượng, không nên dùng các cụm từ định tính như “còn bất hợp lý”, “một cách đáng kể”... và cần đảm bảo tính thống nhất, tính lô-gích về bố cục Dự thảo Luật...
Đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh đã tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu và tổng hợp để trình Quốc hội trong kỳ họp tới./.
Văn Trọng