Ngày 7-3-2018, Sở NN và PTNT tổ chức hội nghị triển khai các biện pháp chăm sóc, bảo vệ cây trồng vụ xuân năm 2018.
Đến ngày 3-3-2018, toàn tỉnh đã hoàn thành gieo cấy 74.285ha lúa xuân, chậm hơn 5-7 ngày so với kế hoạch. Do chuẩn bị đồng ruộng tốt, chất lượng mạ khá và thời tiết diễn biến khá thuận lợi nên sau cấy lúa bén rễ, hồi xanh nhanh. Những diện tích lúa cấy trước Tết Nguyên đán đã bắt đầu đẻ nhánh; những diện tích gieo sạ trước Tết, cây lúa đạt 4-5 lá, diện tích sạ sau Tết có từ 2-3 lá. Đến nay, các địa phương đã tiến hành chăm sóc đợt 1 cho 39.600ha lúa, đạt 53% diện tích gieo cấy. Tính đến ngày 5-3-2018, các địa phương đã gieo trồng được 10.632ha cây màu, đạt 86% kế hoạch; do thời tiết khá thuận lợi nên các cây rau màu sinh trưởng khá, những diện tích trồng lạc sớm đang phân cành cấp 1. Do thời vụ gieo cấy vào sát Tết Nguyên đán nên nhiều hộ nông dân chưa thực hiện được việc phun thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm, các địa phương đã chủ động hướng dẫn nông dân sử dụng nhóm thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm cho lúa, diện tích lúa đã phun trừ cỏ là 39.855ha, phun lại lần 2 được 1.250ha. Đến ngày 6-3, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã tổ chức thu thập, gửi giám định 80 mẫu rầy và ký chủ phụ, đã có 33 mẫu dương tính với vi-rút lùn sọc đen. Như vậy nguồn bệnh tích lũy trên đồng ruộng là rất lớn. Các huyện, thành phố đã phát động nông dân phun trừ rầy cho 2.291ha mạ, đạt 64% trước khi nhổ cấy 2-3 ngày; trừ rầy cho 5.800ha lúa sạ ở thời điểm có 2,5-3 lá, đạt 15%.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, trong tháng 3 và 4 nền nhiệt độ trung bình của tỉnh phổ biến từ 18-250C, có nhiều ngày trời âm u, mưa phùn, nồm ẩm là điều kiện rất thuận lợi phát sinh, phát triển các đối tượng dịch hại, nhất là bệnh đạo ôn và lùn sọc đen hại lúa…
Tại hội nghị, Sở NN và PTNT đề nghị các huyện, thành phố tăng cường hướng dẫn các biện pháp chăm sóc, bảo vệ cây trồng vụ xuân 2018. Áp dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI), chương trình IPM, “3 giảm 3 tăng”... tạo cây khỏe ngay từ đầu vụ, hạn chế sự phát sinh và lây lan của các đối tượng sâu bệnh hại. Rà soát các diện tích đất trồng lúa, vận động nông dân tận dụng lượng mạ còn dư để cấy hết diện tích, không bỏ ruộng hoang; xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa đến năm 2020. Tổ chức tốt mạng lưới điều tra, giám sát đồng ruộng từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo chất lượng công tác điều tra định kỳ và bổ sung theo quy định của ngành phục vụ tốt công tác dự tính dự báo, tham mưu chính xác và tổ chức phòng trừ kịp thời và hiệu quả cho từng đối tượng dịch hại, không để lây lan trên diện rộng. Chủ động, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng ngừa hiệu quả bệnh lùn sọc đen hại lúa theo Kế hoạch số 114/KH-UBND ngày 4-12-2017 của UBND tỉnh. Phối hợp chặt chẽ giữa Trạm Trồng trọt và BVTV, Phòng NN và PTNT, Trạm Khuyến nông trong việc giám sát, hướng dẫn kỹ thuật và tổ chức chỉ đạo phòng trừ dịch hại, hạn chế phun thuốc tràn lan gây lãng phí, ô nhiễm môi trường và kém hiệu quả. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, xây dựng mô hình, hướng dẫn các văn bản pháp luật, tiến bộ kỹ thuật mới, thông báo tình hình dịch hại và chủ trương, biện pháp phòng trừ tới người nông dân thông qua tập huấn, hội thảo, hệ thống đài truyền thanh… Quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới. Triển khai tốt các dự án, thí nghiệm, tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế. Kết hợp với các Cty kinh doanh vật tư nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật sử dụng hiệu quả cũng như chủ động cung ứng vật tư nông nghiệp kịp thời, đảm bảo chất lượng và giá cả tương đối ổn định. Tăng cường công tác phối hợp quản lý Nhà nước về vật tư nông nghiệp, an toàn vệ sinh thực phẩm ở các huyện, thành phố; chỉ đạo các đại lý, hộ kinh doanh cung ứng và hướng dẫn nông dân sử dụng những loại vật tư nông nghiệp theo chỉ đạo của địa phương./.
Ngọc Ánh