Tập trung chỉ đạo phòng, chống bệnh lùn sọc đen hại lúa

08:03, 27/03/2018

Ngày 26-3-2018, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống bệnh lùn sọc đen hại lúa tỉnh. Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Dự cuộc họp còn có các đồng chí thành viên BCĐ, Văn phòng UBND tỉnh.

Thực hiện Kế hoạch số 114/KH-UBND ngày 4-12-2017 của UBND tỉnh về phòng, chống bệnh lùn sọc đen hại lúa xuân 2018, Sở NN và PTNT đã tích cực tuyên truyền, lấy mẫu kiểm tra vi-rút và tập huấn quản lý giám sát bệnh lùn sọc đen cho các địa phương. Các huyện, thành phố đã phát động nông dân phun trừ rầy cho 2.295ha mạ, đạt 64% diện tích mạ trước khi nhổ cấy 2-3 ngày, trừ rầy cho 15.550ha lúa sạ ở thời điểm có 2,5-3 lá. Chi cục Trồng trọt và BVTV phối hợp với các huyện, thành phố thu thập mẫu và giám định vi-rút lùn sọc đen trên rầy, lúa, lúa chét, ngô. Kết quả cho thấy, nguồn bệnh lùn sọc đen tồn tại ở rầy, lúa, ký chủ phụ từ đầu vụ đến nay khá cao và còn gia tăng mật độ, trong thời gian tới có nhiều khả năng phát sinh, lây lan trong vụ xuân 2018. Từ nguy cơ bệnh lùn sọc đen tiếp tục phát sinh, gây hại trong các vụ sản xuất năm 2018, Sở NN và PTNT đề nghị các huyện, thành phố tiếp tục tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn cán bộ và người sản xuất cách nhận biết, phòng, chống bệnh hại lúa. Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện kịp thời các đối tượng sâu, bệnh hại chủ yếu, nhất là bệnh lùn sọc đen hại lúa; tổ chức phun trừ rầy lưng trắng bằng các thuốc trừ rầy nội hấp (nhóm Thiamethoxam, Imidacloprid, Buprofezin + Imidacloprid…); kết hợp phun thuốc trừ đạo ôn lá cho những diện tích chớm xuất hiện bệnh, nhất là trên các giống nhiễm bệnh như: BC15, KD18, Q5, QR1, Nếp… Tại cuộc họp, lãnh đạo các huyện đã phát biểu nêu rõ tình trạng, nguy cơ bệnh và công tác chỉ đạo của địa phương, một số vấn đề khó khăn liên quan.

Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương Sở NN và PTNT, các địa phương đã tập trung cao, tích cực, chỉ đạo quyết liệt trong công tác phòng, chống bệnh lùn sọc đen hại lúa thời gian qua. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, bệnh lùn sọc đen là đối tượng bệnh hại lúa mà công tác phòng, chống khó khăn nhất bởi đây là dịch bệnh mới, gây thiệt hại nặng nề, trong khi nhận thức, kinh nghiệm về loại bệnh này của cả cơ quan chuyên môn và người dân còn hạn chế, chưa nắm hết được quy luật phát sinh, phát triển dịch bệnh nên chưa có biện pháp phòng trừ. Đây cũng là bệnh chưa có thuốc đặc trị. Do vậy biện pháp phòng, chống tốt nhất là hạn chế bằng ngăn chặn con đường gián tiếp môi giới truyền bệnh là rầy lưng trắng. Trừ rầy lưng trắng sớm, triệt để sẽ nâng cao hiệu quả phòng, chống bệnh lùn sọc đen. Theo kết quả giám định, trên đồng ruộng hiện đang có nguồn bệnh lùn sọc đen, thời tiết ấm sẽ là điều kiện thuận lợi cho rầy sinh trưởng, phát triển tốt, hệ số cao hơn nên trong thời gian tới nguy cơ xảy ra bệnh lùn sọc đen là rất lớn. Do vậy các huyện, thành phố phải tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn về nguy cơ, tác hại và biện pháp phòng, trừ bệnh lùn sọc đen. Huy động tổng lực ngành Nông nghiệp tăng cường kiểm tra đồng ruộng một cách liên tục, nhận định tình hình đúng, trên cơ sở đó quyết định biện pháp phòng trừ phù hợp với thực tiễn tại địa phương. Các địa phương bị ảnh hưởng nặng bởi bệnh lùn sọc đen ở vụ mùa 2017 cần phòng trừ rầy lứa 1 cho 100% diện tích; sau khi phun cần đánh giá hiệu quả để có biện pháp tiếp theo phù hợp. Ngành Nông nghiệp có hướng dẫn cụ thể về bộ thuốc phòng trừ có hiệu lực tốt nhất đối với rầy lưng trắng. Tăng cường quản lý Nhà nước về vật tư nông nghiệp, đặc biệt là thuốc BVTV; phối hợp với các Cty thuốc có uy tín tổ chức giới thiệu các loại thuốc BVTV tốt cho nông dân. Thời gian phun trừ rầy lứa 1 tập trung từ ngày 28-3 đến ngày 5-4-2018./.

Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com