Đến nay, toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành gieo cấy lúa xuân và gieo trồng được trên 9.500ha cây màu (đạt 77% kế hoạch). Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn tỉnh: trong tháng 3 và tháng 4, nền nhiệt độ trung bình của tỉnh phổ biến từ 18-250C, có nhiều ngày âm u, mưa phùn… là điều kiện thuận lợi phát sinh, phát triển các đối tượng sâu, bệnh hại, nhất là bệnh đạo ôn và bệnh lùn sọc đen hại lúa.
Để sản xuất vụ xuân 2018 đạt kết quả cao, là cơ sở để đạt kế hoạch tăng trưởng giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp năm 2018, Sở NN và PTNT đề nghị các huyện, thành phố và các Cty KTCTTL tập trung chuyển trọng tâm sang chăm sóc, bảo vệ cây trồng, vật nuôi. Cụ thể là đảm bảo đủ nước nông thường xuyên và tổ chức chăm bón đợt 1 kịp thời cho diện tích lúa cấy theo quy trình hướng dẫn của Sở NN và PTNT. Thực hiện bón phân cân đối, không lạm dụng phân đạm, bón phân sớm, tập trung. Thời gian hoàn thành bón thúc đợt 1 trước ngày 6-3, đợt 2 trước ngày 16-3-2018. Đối với diện tích sạ phải chú ý đảm bảo độ ẩm trong ruộng, tuyện đối không để ruộng ngập nước hoặc khô nẻ; những diện tích lúa sạ nhưng chưa được phun thuốc trừ cỏ sau khi sạ thì phải sử dụng các loại thuốc trừ cỏ nhóm hậu nảy mầm để phun khi lúa đạt 2,5-3 lá kết hợp với phun thuốc trừ rầy và bón thúc lần 1. Tăng cường tuyên truyền và triệt để thực hiện các biện pháp phòng trừ rầy lưng trắng để chủ động phòng bệnh lùn sọc đen theo Kế hoạch số 114/KH-UBND ngày 4-12-2017 của UBND tỉnh; sử dụng các thuốc nhóm Thiamethoxam, Imidacloprid, Buprofezin +Imidacloprid để trừ rầy lưng trắng cho lúa sạ khi lúa được 2,5-3 lá. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh hại lúa, màu. Đối với lúa xuân, theo từng giai đoạn tập trung phòng trừ các đối tượng sau: Giai đoạn từ sau cấy đến đầu tháng 3 tập trung diệt trừ chuột, ốc bươu vàng, bệnh nghẹt rễ; tăng cường theo dõi, giám sát rầy lưng trắng; lấy mẫu rầy gửi phân tích, giám định vi-rút lùn sọc đen. Giai đoạn từ trung tuần tháng 3 và trong tháng 4 tập trung trừ rầy lứa 1, sâu cuốn lá nhỏ lứa 2, bệnh đạo ôn lá, bệnh khô vằn…; xử lý các diện tích có biểu hiện nhiễm bệnh lùn sọc đen nếu có. Giai đoạn trong tháng 5 tập trung trừ rầy lứa 2, 3; sâu cuốn lá nhỏ lứa 3, bệnh khô vằn, bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh lùn sọc đen… Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX tổ chức thực hiện tốt các mô hình hợp tác, liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản theo chuỗi trên địa bàn. Trong lĩnh vực chăn nuôi, hướng dẫn các chủ trang trại và các hộ chăn nuôi vệ sinh chuồng trại, nhập giống tốt, rõ nguồn gốc để tái đàn sau Tết; thực hành quy trình chăn nuôi an toàn sinh học; chuyển đổi đối tượng nuôi phù hợp, linh hoạt theo yêu cầu của thị trường. Tổ chức tốt tháng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi đợt 1 từ ngày 1 đến 31-3-2018. Chỉ đạo và tổ chức tốt đợt tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm vụ xuân 2018, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 80% tổng đàn. Tăng cường giám sát dịch bệnh động vật đến tận các hộ chăn nuôi và các biện pháp kiểm tra, kiểm soát việc kinh doanh, vận chuyển, giết mổ động vật. Hướng dẫn các trang trại và hộ nuôi thủy sản vệ sinh ao đầm, chuẩn bị đủ con giống tốt và điều kiện cần thiết cho vụ nuôi thả mới.
Đồng thời với chỉ đạo sản xuất, các huyện, thành phố kết hợp chỉ đạo nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM; phát động các xã, thị trấn và các thôn, xóm tổng vệ sinh làm sạch môi trường nông thôn; trồng cây xanh và hoa ven đường để tạo cảnh quan cho các tuyến giao thông nông thôn./.
Ngọc Ánh