Theo các chuyên gia y tế, những bệnh phổ biến ở trẻ em thường gặp vào mùa nắng nóng như: tiêu chảy, ngộ độc thức ăn, viêm đường hô hấp cấp tính, nhiễm siêu vi. Bên cạnh đó, bệnh thủy đậu (trái rạ), nhóm bệnh sởi - quai bị - Rubella, viêm não Nhật Bản (còn gọi viêm não B), viêm màng não. Ngoài ra, khi thời tiết oi bức, nhiệt độ môi trường tăng cao làm trẻ em thường bị chứng rôm sảy gây ngứa ngáy rất khó chịu. Trẻ cũng có thể bị say nắng nếu chơi ở ngoài nắng nóng quá lâu, vì cơ thể trẻ bị mất nước và muối khoáng khá nhiều qua sự bài tiết mồ hôi trên da, qua hơi thở.
Để chủ động phòng ngừa hiệu quả bệnh mùa nắng nóng cho trẻ, có thể áp dụng những biện pháp sau:
Tạo thói quen vệ sinh cá nhân tốt, như rửa tay sạch sẽ - đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và chơi đùa, sẽ giúp trẻ loại bỏ hiệu quả những tác nhân gây bệnh nguy hiểm từ chính đôi bàn tay của mình.
Ăn uống hợp vệ sinh, việc chế biến và bảo quản đồ ăn, thức uống phải tuân thủ chặt chẽ quy định an toàn vệ sinh thực phẩm của Bộ Y tế, nhằm loại trừ tối đa các tác nhân gây bệnh ở đường tiêu hóa.
Giữ môi trường sống thông thoáng, trong lành, nhằm hạn chế sự lây nhiễm của các bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm. Phát quang môi trường, loại bỏ những nơi nước đọng nhằm ngăn chặn sự phát triển của muỗi vằn là trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết.
Tăng cường lượng dịch uống để bồi hoàn lượng nước cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là những loại nước uống giàu khoáng chất và nhiều vitamin như các loại nước ép trái cây, nước cam tươi, nước dừa tươi, nước sôi nguội… giúp cơ thể trẻ luôn luôn mát mẻ và có sức đề kháng tốt.
Tiêm ngừa đầy đủ tất cả những loại bệnh lý nguy hiểm phù hợp với lứa tuổi của trẻ bằng các loại vắc-xin sẵn có./.
Theo SGGP