Ngày 6-2-2018, UBND tỉnh tổ chức hội nghị kiểm điểm tiến độ khắc phục sự cố kè biển do ảnh hưởng của các cơn bão và áp thấp năm 2017. Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chỉ đạo hội nghị.
Cơn bão số 10 và áp thấp nhiệt đới xảy ra trong tháng 9-2017, tại huyện Hải Hậu đã làm hư hỏng 300m2 mái phía ngoài đê biển; 5 mỏ kè Hải Thịnh II; kè du lịch Thịnh Long; 2.730m mái phía đồng tại Cồn Tròn xã Hải Hòa, kè Hải Thịnh III (Thịnh Long). Triều cường trong tháng 11 tiếp tục làm sạt lở kè Cồn Tròn và kè Đinh Mùi (Hải Triều). Tại huyện Giao Thủy, bão làm hư hỏng 900m mái phía ngoài đê Giao Thiện, Giao Hương; 2 bên cống Thanh Niên; đê Ang Giao Phong; kè bãi tắm Quất Lâm bị sập nặng nề. Ngay trước, trong và sau các đợt lũ bão, tỉnh đã chỉ đạo Sở NN và PTNT cùng các địa phương tập trung xử lý giờ đầu và khắc phục các sự cố đê kè. Sở NN và PTNT đã lập các dự án: xử lý cấp bách hư hỏng kè Hải Thịnh II (K21+418 đến K21+598) và Hải Thịnh III (K24+883 đến K26+993) ở Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) do bão số 10 gây ra, hiện dự án chuẩn bị thi công; xử lý cấp bách hư hỏng kè Cồn Tròn xã Hải Hòa từ K20 đến K21+340, kè và đường vào bãi tắm Thịnh Long (Hải Hậu) do bão số 10 gây ra, dự án chuẩn bị thi công. 2 dự án xử lý cấp bách hư hỏng mái kè phía biển mang cống Thanh Niên, xã Bạch Long; mái đê biển phía đồng, đê Ang Giao Phong, xã Giao Phong thuộc tuyến đê biển huyện Giao Thủy do bão số 10 năm 2017 gây ra và xử lý cấp bách các hư hỏng mái kè phía biển huyện Hải Hậu và 5 mỏ kè Hải Thịnh II, Thị trấn Thịnh Long thuộc tuyến đê biển huyện Hải Hậu do bão số 10 năm 2017, áp thấp nhiệt đới ngày 10-10-2017 và các kỳ triều cường gây ra đã thi công xong. Từ tháng 10-2017 đến nay, triều cường tiếp tục làm hư hỏng ở các mái đê huyện Hải Hậu. Tại kè Cồn Tròn bị sụt 480m2 hiện mới chỉ được xử lý giờ đầu bằng rọ thép. Tại mỏ kè số 5 kè Hải Thịnh II, ngày 31-1-2018 mái ngoài phía tây sạt 51m2, chiều sâu 1,9m hiện chưa thi công được do thủy triều.
Tóm lại, do ảnh hưởng từ sau trận bão số 10 năm 2017 đổ bộ vào các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình đến nay, hệ thống đê điều của tỉnh liên tục bị hư hỏng, đặc biệt là hệ thống đê biển huyện Hải Hậu. Khi có sự cố, Sở NN và PTNT kịp thời báo cáo UBND tỉnh, xin ý kiến xử lý. Tuy nhiên, việc xử lý giờ đầu các sự cố đê điều chỉ có tác dụng tức thời, ngăn chặn các sự cố phát triển thêm. Giải pháp lâu dài là cần lập các dự án xử lý, khắc phục sự cố kè biển do ảnh hưởng của các cơn bão và áp thấp năm 2017.
Sau khi nghe các ý kiến tham luận tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh hoan nghênh các xã, thị trấn ven đê, các huyện, hạt quản lý đê nhân dân thường xuyên kiểm tra, phát hiện kịp thời các sự cố về đê, kè, trên cơ sở tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN và PTNT và các địa phương xử lý giờ đầu kịp thời, hạn chế các điểm sụt, sạt tại các tuyến đê. Đối với 2 dự án có liên quan đến ảnh hưởng của bão số 10 năm 2017 tại huyện Hải Hậu đã được lập, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở NN và PTNT tổ chức họp với các đơn vị liên quan (Ban quản lý dự án, nhà thầu và huyện Hải Hậu) thống nhất lại thời gian thi công, đảm bảo an toàn đê điều và đẩy nhanh tiến độ thi công. Liên quan đến những sự cố đê điều từ sau cơn bão số 10 đến nay, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở NN và PTNT có báo cáo tổng hợp tất cả các điểm sụt, sạt ở 2 tuyến Cồn Tròn và Hải Thịnh II, có tờ trình đề nghị phương án xử lý khẩn cấp các sự cố này để trình Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, Bộ NN và PTNT, Bộ KH và ĐT và Chính phủ xem xét, phê duyệt./.
Ngọc Ánh