Ngày 31-1-2018, đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đi kiểm tra tiến độ sản xuất vụ xuân 2018. Cùng đi với đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh có lãnh đạo Sở NN và PTNT, Văn phòng UBND tỉnh.
Đến hết ngày 30-1-2018, toàn tỉnh đã có 68.646ha có nước, đạt 92% tổng diện tích gieo cấy lúa xuân 2018. Vùng phía nam tỉnh, các huyện: Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Xuân Trường, Giao Thủy cơ bản đã đủ nước. Các huyện phía bắc tỉnh tưới tiêu bằng động lực, diện tích có nước đạt 89,7%. Các địa phương đã bừa lồng được 51.025ha, đạt 69% diện tích gieo cấy; các huyện có tỷ lệ bừa lồng cao là Nghĩa Hưng 98%, Xuân Trường 95%, Ý Yên 80%. Các huyện Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Ý Yên đã gieo 1.167ha/3.650ha diện tích mạ phải gieo tập trung từ ngày 20 đến 29-1. Các địa phương còn lại sẽ tiếp tục gieo từ nay cho đến ngày 8-2. Qua kiểm tra thực tế cho thấy, vẫn có địa phương chưa thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh.
Tại xã Xuân Ninh (Xuân Trường) còn nhiều hộ nông dân không che phủ nilon cho mạ hoặc có che nhưng không đúng quy trình hướng dẫn của ngành Nông nghiệp. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đi kiểm tra công tác lấy nước phục vụ sản xuất tại huyện Nghĩa Hưng. Ngay trong đợt xả nước đầu tiên từ các hồ thủy điện, Cty TNHH một thành viên KTCTTL Nghĩa Hưng đã tổ chức túc trực 24/24 giờ. Từ ngày 16 đến 19-1, toàn bộ trên 10 nghìn ha lúa của huyện đã có nước, đáp ứng được yêu cầu sản xuất. Trong đợt lấy nước thứ 2 này, Cty tiếp tục mở cống tiêu thoát nước cũ, đón nước mới để các vùng ven biển thực hiện thau chua, rửa mặn; đến nay đã thay, tháo được 2-3 lần. Huyện dự kiến bắt đầu gieo cấy từ ngày 8-2 và kết thúc trước ngày 13-2.
Phát biểu tại buổi kiểm tra, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận những nỗ lực của các Cty KTCTTL và các địa phương trong việc lấy nước phục vụ sản xuất; chất lượng nước tốt hơn so với mọi năm. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung cao độ lấy nước, song song với triển khai ngay việc làm đất, ngâm dầm kỹ để kết hợp làm đất với khử trùng, tiêu độc, hạn chế mầm bệnh lùn sọc đen. Có kế hoạch tích nước dự trữ, chủ động nguồn nước tưới để sau khi gieo cấy xong thực hiện tưới dưỡng cho lúa. Các địa phương và các Cty KTCTTL tập trung vệ sinh hệ thống kênh mương, duy trì toàn tuyến kênh mương sạch sẽ, kết hợp sản xuất với bảo vệ môi trường. Chỉ đạo các xã, thị trấn có dòng kênh lớn chảy qua tuyên truyền cho nhân dân không xả rác ra lòng kênh. Tập trung làm tốt việc ngâm ủ, triển khai gieo cấy theo kế hoạch của địa phương. Đối với những huyện đã gieo mạ cần tập trung các biện pháp bảo vệ mạ; thành lập đoàn kiểm tra chỉ đạo các xã, thị trấn hướng dẫn bà con che phủ mạ theo đúng kỹ thuật, đảm bảo chất lượng mạ tốt nhất để gieo cấy. Các Cty có kế hoạch điều tiết nước linh hoạt giữa các vùng sao cho đủ nước tưới cho vùng cấy, không thừa nước đối với vùng gieo sạ. Trong thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã lấy mẫu phân tích phát hiện nhiều mẫu rầy lưng trắng có nguồn vi-rút bệnh lùn sọc đen. Do đó các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát biến động mật độ quần thể rầy lưng trắng. Đối với mạ gieo cấy cần tổ chức phun tiễn chân mạ trước khi cấy 3 ngày bằng thuốc trừ rầy nội hấp; với những diện tích gieo sạ khi lúa đạt 2,5-3 lá phun thuốc trừ rầy dưới đồng để phòng chống bệnh lùn sọc đen./.
Ngọc Ánh