Tổng kết Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam

08:01, 26/01/2018

Ngày 23-1-2018, Hội CTĐ tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam (VFD) do Tổ chức Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, giai đoạn 2013-2018. Dự hội nghị có đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Trung ương Hội CTĐ Việt Nam; đại diện Hội CTĐ Mỹ tại Việt Nam.

Dự án VFD “Hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu ở Rừng và Đồng bằng Việt Nam” do Cơ quan USAID tài trợ được triển khai tại tỉnh ta từ năm 2013. Mục tiêu của dự án là thúc đẩy sự chuyển đổi của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, giúp cộng đồng ở những nơi có nguy cơ cao được an toàn hơn, góp phần thực hiện kế hoạch quốc gia về biến đổi khí hậu và chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Dự án đã triển khai tại 30 xã, thị trấn của 3 huyện ven biển gồm: Nghĩa Thắng, Nghĩa Bình, Nghĩa Hải, Nam Điền, Thị trấn Rạng Đông, Nghĩa Lâm, Nghĩa Lợi, Nghĩa Thành, Nghĩa Hùng, Nghĩa Phúc (Nghĩa Hưng); Hải Hòa, Hải Đông, Hải Phúc, Hải Chính, Hải Châu, Hải Lộc, Hải Lý, Hải Triều, Hải Xuân, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu); Giao Long, Giao Hải, Thị trấn Quất Lâm, Giao Xuân, Giao An, Giao Lạc, Giao Thanh, Giao Hương, Bạch Long, Giao Phong (Giao Thủy). Trong quá trình triển khai, dự án đã tiến hành đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương và khả năng, tập huấn quản lý và đánh giá rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng tại 9/30 xã của dự án, thu hút gần 4.000 lượt người tham gia. Ngoài ra, dự án tổ chức 21 lớp tập huấn quản lý và đánh giá rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng cho nhóm hỗ trợ kỹ thuật và nhóm cộng đồng cấp xã của 21 xã dự án với 394 người tham gia. Sau khi tập huấn, đã tổ chức đánh giá rủi ro thiên tai và lập kế hoạch phòng chống thiên tai tại các xã dự án và cấp bản đồ rủi ro thiên tai phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch và chỉ đạo phòng chống thiên tai tại địa phương. Dự án còn hỗ trợ 14 công trình tiểu dự án giảm nhẹ rủi ro thiên tai như: xây dựng hệ thống kênh mương, tiêu thoát nước khu dân cư, xây nhà vệ sinh 2 tầng tại trường học, nâng cấp trạm y tế, nâng cấp đường giao thông phục vụ sơ tán trong thiên tai… tại các xã của 3 huyện với tổng trị giá trên 9 tỷ đồng, trong đó dự án hỗ trợ 4 tỷ 686,5 triệu đồng. Trong hoạt động cộng đồng ứng phó với thiên tai, thảm họa tại 30 xã dự án đã thành lập 30 đội ứng phó nhanh cấp cộng đồng với 720 người tham gia được tập huấn các kiến thức, kỹ năng ứng phó thiên tai, thảm họa, đồng thời thực hiện đánh giá nhu cầu trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn cho đội ứng phó cộng đồng và bàn giao 30 gói trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn gồm: máy phát điện, máy cưa, đèn pin, áo mưa, ủng… với trị giá dự án hỗ trợ hơn 3 tỷ 500 triệu đồng. Trong diễn tập phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu đã tổ chức 11 cuộc diễn tập quy mô cấp xã và cấp huyện để tuyên truyền cho cán bộ và nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm, chủ động ứng phó với thiên tai trong mọi tình huống thu hút được 3.052 người tham gia. Dự án đã tổ chức tập huấn kiến thức đánh giá hệ thống cảnh báo sớm cho 4 cán bộ hướng dẫn viên của tỉnh, tổ chức 26 đợt đánh giá hệ thống cảnh báo sớm tại 26/30 xã dự án với sự tham gia của 338 người… Ngoài ra, thực hiện chuỗi hoạt động giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu trong trường học cho học sinh khối lớp 4 và lớp 5 của 33 trường thuộc 30 xã dự án, đồng thời thực hiện các giải pháp ưu tiên, hỗ trợ tiểu dự án trường học an toàn góp phần xây dựng mô hình trường học an toàn trước thiên tai, thảm họa…

Phát biểu tại hội nghị, đại diện Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam và đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà dự án triển khai. Các đồng chí đề nghị trong thời gian tới, các xã của dự án tiếp tục củng cố và tăng cường các lợi ích của dự án, đảm bảo tính bền vững dài hạn của các hoạt động khi các hỗ trợ bên ngoài kết thúc. Chính quyền các địa phương cần quan tâm, thực hiện tốt chính sách của Chính phủ về nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Các cấp Hội CTĐ và các ngành liên quan tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật và tập huấn cho hội viên nhằm giúp các xã duy trì việc tập huấn nhắc lại, cũng như hỗ trợ lập kế hoạch phòng, chống thiên tai hằng năm. Tiếp tục sử dụng các sản phẩm truyền thông để tuyên truyền về biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai, tiến tới xây dựng cộng đồng cấp xã an toàn trước thiên tai, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần cho sự phát triển bền vững của địa phương./.

Văn Huỳnh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com