Ngày 25-1-2018, Sở NN và PTNT tổ chức hội nghị tổng kết phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018. Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chỉ đạo hội nghị.
Mặc dù phải triển khai, thực hiện các nhiệm vụ trong điều kiện gặp rất nhiều khó khăn, song về cơ bản, kinh tế nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh năm 2017 vẫn đạt nhiều thành tựu và kết quả quan trọng; nhiều chỉ tiêu vẫn đạt và vượt kế hoạch. Công tác tổ chức sản xuất vụ xuân, vụ mùa được các địa phương quan tâm, cơ cấu giống lúa chuyển dịch từng bước theo hướng chất lượng cao và thích ứng với biến đổi khí hậu, tỷ lệ giống lúa nhiễm sâu bệnh nặng giảm so với năm trước. Vụ xuân 2018 tiếp tục được mùa với năng suất 69,4 tạ/ha, sản lượng 517.254 tấn. Về chăn nuôi mặc dù tổng đàn giảm so với năm trước, nhưng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng vẫn đạt kế hoạch 150.123 tấn, tăng 3,38%; sản lượng thịt gia cầm tăng 11,42% và sản lượng trứng tăng 4,57% so với năm 2016. Công tác giám sát, quản lý dịch bệnh gia súc, gia cầm được triển khai tích cực, các dịch bệnh xảy ra được phát hiện, xử lý kịp thời, không để lây lan ra diện rộng. Sản lượng thủy sản cả năm đạt 138.303 tấn, trong đó nuôi trồng đạt 90.439 tấn, khai thác 47.864 tấn. Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,4%. Đến nay toàn tỉnh có 176 xã và 2 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, dự kiến đến hết tháng 1-2018 có thêm 24-25 xã và 2-3 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2017. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Một số chỉ tiêu không đạt kế hoạch, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản âm 1,1% (chủ yếu là do bệnh lùn sọc đen và mưa bão gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp trong vụ mùa). Tiến độ và kết quả thực hiện một số nội dung Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn. Chương trình xây dựng NTM chưa đồng đều ở các địa phương…
Năm 2018, ngành NN và PTNT tỉnh tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là: Rà soát, bổ sung và quản lý tổ chức thực hiện quy hoạch; tập trung thực hiện các nội dung tái cơ cấu ngành; phối hợp với các ngành, các cấp triển khai tích cực, có hiệu quả chương trình xây dựng NTM; tăng cường công tác khuyến nông, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phát triển cơ giới hóa trong sản xuất; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; phát triển công nghiệp chế biến và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại nông, lâm, thủy sản; tiếp tục tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm… Một số chỉ tiêu chủ yếu: tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất 2,5-3%; tổng diện tích cây trồng các loại cả năm 193.300ha; năng suất lúa bình quân 59,2 tạ/ha/vụ trở lên; tổng sản lượng lương thực trên 920 nghìn tấn; giá trị thu nhập trên 1ha đất canh tác đạt trên 110 triệu đồng; trọng lượng thịt hơi 151 nghìn tấn; tổng sản lượng thủy sản 142 nghìn tấn; sản lượng muối 30 nghìn tấn; có ít nhất 7 xã và 2 huyện đạt chuẩn NTM.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận nỗ lực của ngành Nông nghiệp, các huyện, thành phố và nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2017. Đồng chí nêu lên những điểm sáng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh trong năm qua. Nổi bật là chương trình xây dựng NTM, tỉnh ta là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước. Hình thành và đi vào hoạt động có hiệu quả Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định. Công tác quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản có những tiến bộ rõ rệt. Đã xuất khẩu được một số sản phẩm của tỉnh như ngao sạch, muối… Sản xuất rau hữu cơ đang từng bước phát triển… Bên cạnh đó, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ ra những tồn tại của ngành Nông nghiệp trong năm qua là tăng trưởng giá trị sản xuất âm 1,1% trong khi nông nghiệp cả nước khởi sắc. Công tác tham mưu trong chỉ đạo phòng trừ bệnh lùn sọc đen chưa quyết liệt, nhiều địa phương vẫn xem nhẹ bệnh lùn sọc đen hại lúa. Việc thực hiện một số nội dung của tái cơ cấu ngành chưa rõ rệt. Phong trào sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật của nông dân còn hạn chế. Các hình thức tổ chức sản xuất mới chậm phát triển. Đồng chí yêu cầu ngành Nông nghiệp tập trung tham mưu, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ của ngành; Sở NN và PTNT tham mưu xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2018-2020; đặc biệt quan tâm công tác quản lý dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và nuôi trồng thủy sản. Năm 2018 ngành Nông nghiệp phải tạo chuyển biến rõ nét trong tái cơ cấu nông nghiệp. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có kế hoạch sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 27 của Tỉnh ủy về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, do vậy Sở NN và PTNT cần xây dựng và hướng dẫn các địa phương làm báo cáo; tổng hợp, xây dựng báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 27 của tỉnh xong trước ngày 20-4. Ngành Nông nghiệp, các huyện, thành phố và các Cty KTCTTL rà soát các công trình, đầu tư nâng cấp để đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa, phòng chống thiên tai và chương trình xây dựng NTM; tiếp tục xây dựng các kịch bản phòng chống thiên tai năm 2018…
Ngọc Ánh