Chiều 4-12-2017, UBND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch phòng, chống bệnh lùn sọc đen hại lúa xuân năm 2018. Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị còn có lãnh đạo Sở NN và PTNT, Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố; lãnh đạo các Cty TNHH một thành viên KTCTTL trên địa bàn tỉnh.
Tại hội nghị, UBND tỉnh đã phổ biến dự thảo kế hoạch về phòng, chống bệnh lùn sọc đen hại lúa vụ xuân năm 2018 để các đại biểu thảo luận đóng góp ý kiến hoàn thiện kế hoạch. Mục đích, yêu cầu của kế hoạch là chủ động kiểm soát chặt chẽ nguồn bệnh, môi giới truyền bệnh; phòng chống hiệu quả bệnh lùn sọc đen hại lúa, đảm bảo an toàn cho sản xuất lúa vụ xuân 2018; khống chế nguồn bệnh cho vụ mùa. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo; cán bộ kỹ thuật và người sản xuất hiểu biết và có kỹ năng quản lý bệnh. Các nội dung cần tập trung thực hiện là: trước khi gieo cấy, cần tổng vệ sinh đồng ruộng, diệt ký chủ phụ của bệnh, nhất là tại các địa phương đã bị nhiễm bệnh trong vụ mùa 2017; đẩy nhanh tiến độ làm thủy lợi nội đồng, phấn đấu hoàn thành trước ngày 31-12-2017, dự kiến ngày 5-1-2018 sẽ đưa nước vào ruộng; đưa nước, làm đất, ngâm ruộng sớm, thời gian ngâm dài hơn mọi năm (kết hợp thay tháo nước) và bón vôi cải tạo; điều tra, giám sát biến động mật độ rầy lưng trắng tại những nơi rầy lưu trú qua đông, ở các chân ruộng mạ gieo sớm để cấy cho diện tích lúa - cá, diện tích thùng đào; không sử dụng thóc thịt để làm giống. Bảo vệ mạ nghiêm ngặt: đảm bảo 100% diện tích mạ xuân được che phủ nilon đúng kỹ thuật; điều tra, giám sát chặt chẽ rầy lưng trắng trên mạ, lấy mẫu phân tích rầy, giám định vi-rút, trên cơ sở đó sẽ quyết định việc phun thuốc trừ rầy trên mạ… Tăng cường quản lý bệnh lùn sọc đen từ giai đoạn sạ, cấy đến phân hóa đòng; chăm sóc tạo dàn lúa khỏe để tăng sức chống chịu bệnh; định kỳ điều tra, giám định vi-rút trên rầy lưng trắng và trên cây lúa có triệu chứng nhiễm bệnh làm cơ sở để quyết định các đợt phun trừ rầy; tổ chức phòng, trừ rầy lưng trắng triệt để kết hợp thu gom, tiêu hủy cây bị bệnh; tổ chức chặt chẽ việc giám sát, đánh giá nguồn bệnh cuối vụ xuân để có biện pháp hạn chế, ngăn chặn nguồn bệnh chuyển tiếp sang vụ mùa. Lựa chọn bộ thuốc BVTV chuẩn có tính lưu dẫn và có tính chọn lọc cao; hướng dẫn cụ thể, chi tiết kỹ thuật trừ rầy; giám sát, đánh giá chặt chẽ, hiệu quả các đợt phun trừ rầy.
Qua nghe ý kiến của các cơ quan và các địa phương, phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu và yêu cầu Sở NN và PTNT xây dựng kế hoạch và tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý bệnh, phòng trừ rầy lưng trắng, mời các chuyên gia đầu ngành về bệnh lùn sọc đen tập huấn cho lãnh đạo huyện; lãnh đạo, cán bộ Phòng NN và PTNT, Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt và BVTV các huyện, thành phố; phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức tập huấn cho cán bộ Ban Nông nghiệp các xã, thị trấn. Thông báo sớm kết quả điều tra, giám sát biến động mật độ rầy lưng trắng tại những nơi rầy qua đông, ở các chân ruộng mạ gieo sớm để cấy cho diện tích lúa - cá, diện tích thùng đào để có giải pháp xử lý sớm. Chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp; tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, xử lý nghiêm các vi phạm trong kinh doanh vật tư nông nghiệp. UBND các huyện, thành phố tùy theo điều kiện thực tiễn của địa phương chỉ đạo quyết liệt việc tổng vệ sinh đồng ruộng, đưa nước kết hợp làm đất, ngâm ruộng sớm, kỹ, đảm bảo thời gian ngâm nước dài hơn các năm, kết hợp bón vôi cải tạo đất. Chỉ đạo các Cty KTCTTL, các xã, thị trấn khẩn trương thực hiện nạo vét các công trình thủy lợi nội đồng, hoàn thành trước ngày 31-12-2017. Các ban, ngành, đoàn thể có liên quan tùy theo nhiệm vụ thực hiện tốt kế hoạch theo chỉ đạo của UBND tỉnh./.
Ngọc Ánh