Ngày 1-12-2017, UBND tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá công tác phòng, chống bệnh lùn sọc đen hại lúa vụ mùa 2017. Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở NN và PTNT, Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện Trực Ninh, Hải Hậu, Xuân Trường và Giao Thủy.
Bệnh lùn sọc đen phương Nam do vi-rút lùn sọc đen phương Nam gây ra, môi giới truyền bệnh là rầy lưng trắng. Tại nước ta, bệnh xuất hiện lần đầu tiên trong vụ mùa 2009, gây hại tại 8 tỉnh phía Bắc và 2 tỉnh Bắc Trung Bộ, nặng nhất là Nghệ An, Thái Bình và Nam Định. Sau 8 năm, đến vụ mùa 2017, bệnh tái bùng phát trên diện rộng gây hại tại 18 tỉnh Bắc Bộ, 4 tỉnh Bắc Trung Bộ. Theo báo cáo của Sở NN và PTNT, tổng diện tích lúa mùa 2017 của tỉnh ta bị nhiễm bệnh lùn sọc đen là trên 23.250ha khiến bị thiệt hại lớn về năng suất và sản lượng lúa mùa. Diện tích bị thiệt hại năng suất do bệnh lùn sọc đen là 17.571ha; trong đó, thiệt hại trên 70% năng suất (mất trắng) là 9.432,64ha; thiệt hại từ 30-70% năng suất là 8.138,37ha. Dịch bệnh lùn sọc đen tập trung ở các huyện phía nam, 4 huyện phải công bố dịch là Giao Thủy, Hải Hậu, Xuân Trường và Trực Ninh. Riêng diện tích nhiễm bệnh của 4 huyện này là 17.107,89ha, trong đó trên 16.500ha nhiễm bệnh nặng.
Hội nghị đã nghe báo cáo về công tác tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh lùn sọc đen của các huyện Trực Ninh, Hải Hậu, Xuân Trường, Giao Thủy; thảo luận về nguyên nhân gây hại; công tác chỉ đạo, hướng dẫn cơ cấu, quy trình thâm canh, biện pháp phòng, chống bệnh và đề xuất các giải pháp quản lý bệnh hiệu quả trong thời gian tới. Trong đó, thành lập, kiện toàn và tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống bệnh lùn sọc đen; xây dựng kế hoạch phòng, trừ bệnh lùn sọc đen năm 2018. Thường xuyên tuyên truyền về tác hại, mức độ nguy hiểm, nguyên nhân, triệu chứng của bệnh lùn sọc đen hại lúa; tập huấn, hướng dẫn các biện pháp chủ động phòng, chống bệnh. Tập trung vào các biện pháp kỹ thuật như: vệ sinh đồng ruộng tiêu diệt nguồn bệnh; tăng cường điều tra định kỳ và bổ sung, rà soát mật độ rầy di trú ở đầu vụ; phun trừ rầy bằng thuốc nội hấp trước khi nhổ mạ từ 2-3 ngày; xử lý hạt giống trước khi gieo sạ bằng thuốc BVTV để tạo sức đề kháng của cây mạ đối với rầy… Quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh thuốc BVTV./.
Ngọc Ánh