Chiều 1-12 tại Hà Nội, lãnh đạo Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức cuộc họp báo trả lời một số câu hỏi của báo giới về quyết định tăng giá điện lên mức bình quân là 1.710 đồng/kWh kể từ ngày 1-12 (tăng 6,08%).
Vấn đề được nhiều người nêu ra là cơ sở nào để tăng giá điện lần này. Và liệu có phải Tập đoàn Điện lực Việt Nam cứ lỗ thì tăng giá điện? Nhiều người cũng đặt vấn đề mặc dù bán điện năm 2016 của EVN lỗ 593,46 tỷ đồng nhưng xét tổng thể cả năm 2016 thì vẫn lãi 2.600 tỷ đồng, trong khi từ giữa năm 2016 có nhiều nhà máy thủy điện báo lãi và tình hình thủy văn cũng khá tốt.
Trả lời vấn đề trên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho biết, EVN vẫn còn treo một khoản lỗ lên tới 9.000 tỷ đồng do lỗ biến động tỷ giá từ nhiều năm trước, đây là một con số rất lớn chưa được phân bổ vào giá thành điện. Theo yêu cầu thì lỗ phải đưa vào biểu giá điện ngay lập tức nhưng Chính phủ không làm như vậy luôn mà Bộ Tài chính đã đưa vào trong từng năm và có lộ trình cụ thể. Nếu khoản lỗ này mà đưa ngay vào giá bán lẻ điện thì áp lực rất lớn, vì vậy theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ trong những lần trước đây là giãn việc đưa chênh lệch tỷ giá vào giá điện, trong lần này chúng ta cũng chỉ mới đưa vào một phần.
Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cũng giãi bày rằng ở thời điểm hiện nay, việc huy động vốn trong nước cho đầu tư phát triển nguồn điện là khó khăn nên phải ký hợp đồng bằng ngoại tệ. Trong khi đó, tỷ giá ngoại tệ trong 2-3 năm nay vẫn biến động tăng nên ảnh hưởng không nhỏ.
Còn theo ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN, theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, từ nay đến 2020 sẽ đưa dần chênh lệch tỷ giá vào trong giá điện. “Khi các thông số đầu vào biến động làm giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh tăng. Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất. Vì thế nếu có tăng thì nhanh nhất cũng phải đến tháng 5-2018 mới được điều chỉnh tiếp”, ông Lâm nói.
Ngoài chuyện EVN vẫn đang treo một khoản nợ lớn, vấn đề được dư luận quan tâm là việc quyết định tăng giá điện bán lẻ lần này có ảnh hưởng tới người nghèo và thu hút đầu tư nước ngoài hay không?
Tuy nhiên ông Trần Tuệ Quang, Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, theo quy định mới về giá điện thì từng khung giá bán điện cho từng khách hàng như đơn vị sự nghiệp, đơn vị kinh doanh, sinh hoạt… vẫn tương tự như trước đây.
Còn ông Nguyễn Anh Tuấn trả lời rằng, phương án điều chỉnh giá điện lần này cũng đã được Thủ tướng chấp thuận. Song về lộ trình, Thủ tướng đã công bố, trong giai đoạn này chúng ta chỉ được điều chỉnh giá điện trong khung giá điện quy định, còn tăng ngoài khung thì phải báo cáo Chính phủ.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, theo thống kê năm 2016, có khoảng 5,4 triệu khách hàng tiêu thụ mức 50-100 kW/h. Chính phủ hỗ trợ cho các hộ nghèo với mức hỗ trợ lên tới 2.500 tỷ đồng/năm. Theo đó, các hộ nghèo sẽ được hỗ trợ 51 nghìn đồng/tháng theo mức 50 kW/h của bậc thang đầu tiên.
Còn đối với việc tăng giá điện có ảnh hưởng tới lạm phát và chi phí của doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, theo đánh giá của Bộ KH và ĐT và tính toán của Tổng cục Thống kê, giá điện tăng có thể làm tăng 0,07% giá sản xuất và làm tăng 0,08% CPI trong năm 2017.
Ông Võ Quang Lâm cho biết thêm, trong tổng số 28,5 triệu hộ dùng điện thì có khoảng 78% dùng dưới 200 số điện. Theo tính toán của các chuyên gia thì CPI bị ảnh hưởng 0,1% còn GDP bị ảnh hưởng 0,166%./.
Theo SGGP