Ngày 23-12-2017, UBND tỉnh tổ chức lễ động thổ xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Đoàn Hồng Phong, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh; Trần Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo và nhân dân các địa phương vùng dự án tới dự.
Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh Nam Định thực hiện nghi thức động thổ. |
Dự án đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 335/QĐ-TTg ngày 17-3-2017 với tổng vốn đầu tư toàn dự án gần 5.000 tỷ đồng; UBND tỉnh phê duyệt báo cáo khả thi tại Quyết định số 1710/QĐ-UBND ngày 31-7-2017. Căn cứ khả năng cân đối nguồn vốn, dự án được phân kỳ đầu tư thành hai giai đoạn. Giai đoạn I, từ nay đến năm 2020, thực hiện đầu tư những đoạn chưa có tuyến: giải phóng mặt bằng; xây dựng hoàn chỉnh nền đường, cầu, cống trên tuyến theo quy mô dự án, gồm 2 đoạn tuyến, tổng chiều dài khoảng 31,4km. Cụ thể, đoạn từ khu vực nút giao Cao Bồ đến nút giao đường tỉnh 490C dài 23,2km, quy mô đường cấp II đồng bằng, nền đường rộng 24m; mặt đường mỗi bên 1 làn xe cơ giới; dải phân cách giữa 9,5m; đoạn từ khu vực nút giao đường cuối cầu Thịnh Long đến trạm đèn biển Lạch Giang - KCN Dệt may Rạng Đông dài 9,6km, quy mô đường phố chính đô thị chủ yếu, nền đường rộng 32,5-34,5m; mặt đường mỗi bên 2 làn xe cơ giới; dải phân cách giữa rộng 10,5m. Trên hai đoạn tuyến mới, đầu tư 7 cầu, gồm: cầu vượt đường sắt và Quốc lộ 10, cầu sông Sắt, cầu Độc Bộ, cầu Đại Tám, cầu Tam Tòa, cầu Quần Liêu và các cống: Thanh Hương, Quần Vinh I, Quần Vinh II. Trong đó, riêng cầu Đống Cao vượt sông Đào, tận dụng đơn nguyên do Bộ GTVT đầu tư trong dự án tín dụng cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ. Giai đoạn II của dự án, sau năm 2020 sẽ đầu tư mở rộng hoàn chỉnh toàn tuyến. Tổng giá trị đầu tư xây dựng giai đoạn I của dự án là gần 2.600 tỷ đồng; đã được Trung ương bố trí 1.200 tỷ đồng bằng nguồn trái phiếu Chính phủ. Sở GTVT là chủ đầu tư; Cty CP Tập đoàn Xuân Trường là nhà thầu thi công; thời gian thực hiện hợp đồng xây lắp là 36 tháng. Sau khi công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng không chỉ góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, phòng chống thiên tai, hoàn thiện mạng lưới giao thông theo Quy hoạch phát triển GTVT tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 mà còn nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn quãng đường vận chuyển giữa vùng kinh tế biển của tỉnh với đường cao tốc Bắc - Nam, kết nối với mạng lưới giao thông trong khu vực và hệ thống giao thông quốc gia về đường biển, đường thủy nội địa, hệ thống quốc lộ và cao tốc, phát huy vai trò hiệu quả của các dự án trong khu vực đã và đang triển khai như: dự án cầu Thịnh Long, dự án cải tạo cửa Lạch Giang, dự án đào kênh thay thế kênh Quần Liêu nối sông Đáy và sông Ninh Cơ (WB6).
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Với mục tiêu hình thành và phát triển khu kinh tế tổng hợp, các khu, CCN kết hợp với phát triển kinh tế biển, gắn với phát triển đô thị, tỉnh đã và đang triển khai một số dự án lớn như KCN Dệt may Rạng Đông, Nhà máy nhiệt điện Nam Định I, khu du lịch biển Thịnh Long tại khu vực ven biển. Việc triển khai xây dựng tuyến đường không chỉ đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, mà còn tạo nên tuyến giao thông quan trọng phục vụ kết nối giao thương cho khu kinh tế biển sầm uất, năng động trong tương lai, tạo động lực phát triển đột phá về kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch của vùng kinh tế biển tỉnh nói riêng, của tỉnh Nam Định và khu vực đồng bằng sông Hồng nói chung. Để bảo đảm tiến độ thi công, sớm đưa dự án vào sử dụng, khai thác, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành tích cực phối hợp, hỗ trợ địa phương có dự án đi qua tập trung hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao toàn bộ mặt bằng cho nhà thầu thi công. Chủ đầu tư tăng cường giám sát thi công, bảo đảm an toàn, chất lượng công trình; tiếp tục phối hợp với các địa phương khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Chính quyền và nhân dân các địa phương trên tuyến đường cần tăng cường phối hợp giám sát để kịp thời phát hiện sai sót của đơn vị thi công, bảo đảm công trình đạt chất lượng. Đơn vị thi công cần tập trung mọi nguồn lực, vật tư, thiết bị; áp dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến và có biện pháp tổ chức thi công khoa học, đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm công trình sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng theo đúng tiến độ đề ra./.
Tin, ảnh: Thanh Thuý