Ít nhất đến năm 2020 mới bỏ sổ hộ khẩu giấy

07:11, 08/11/2017

Sáng 7-11, Bộ Công an tổ chức họp báo về việc bỏ các thủ tục về hộ khẩu và chứng minh nhân dân (CMND) trong quản lý dân cư để thống nhất trong việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân nhằm triển khai Nghị quyết 112/NQ-CP của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan đến quản lý dân cư.

Theo Trung tướng Trần Văn Vệ, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) thông tin bỏ sổ hộ khẩu và CMND như một số báo chí đăng tải thời gian gần đây dễ gây hiểu sai dư luận. Đây chỉ là hình thức thay đổi biện pháp quản lý dân cư bằng giấy tờ thủ công sang quản lý bằng công nghệ số hóa, để đơn giản hóa các thủ tục giấy tờ liên quan cho người dân khi thực hiện các giao dịch dân sự.

Trung tướng Trần Văn Vệ trả lời báo chí về việc thực hiện Nghị quyết số 112/NQ - CP.
Trung tướng Trần Văn Vệ trả lời báo chí
về việc thực hiện Nghị quyết số 112/NQ - CP.

Trung tướng Trần Văn Vệ nhấn mạnh: Dù không giữ sổ hộ khẩu, nhưng người dân vẫn phải thực hiện các thủ tục về quản lý liên quan đến quy trình này. Cơ quan công an các cấp sẽ có các biện pháp, cách thức mới thực hiện theo nguyên tắc đơn giản hoá tối đa giấy tờ liên quan đến quản lý dân cư. 

Cụ thể, với nhóm thủ tục đăng ký thường trú (tại cấp huyện, cấp xã) sẽ bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng sổ hộ khẩu và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Việc quản lý tạm trú cũng sẽ không còn sổ tạm trú mà thay bằng việc cập nhật thông tin cá nhân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Thực tế hiện nay, công tác quản lý dân cư ở Việt Nam do nhiều bộ, ngành thực hiện, có quá nhiều thủ tục phiền hà liên quan, gây mất thời gian, công sức và tiền bạc cho người dân. Để đơn giản hóa thủ tục hành chính, đảm bảo quản lý Nhà nước và quyền công dân, các cơ quan Nhà nước sẽ tiến tới sử dụng một loại giấy tờ tùy thân như thẻ căn cước công dân có mã số định danh. Mã số này thể hiện nhiều loại giấy tờ khác nhau liên quan đến mỗi công dân, được lưu trữ trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, mà Bộ Công an đã kết nối với các bộ, ngành liên quan để làm căn cứ sử dụng chung.

Thông tin bỏ CMND cũng không đúng mà là tiến tới thay bằng thẻ căn cước công dân. Trung tướng Trần Văn Vệ nêu rõ: Hiện nay, CMND làm bằng giấy làm thủ công, lăn tay và dễ bị làm giả. Chính vì thế năm 2013, Chính phủ xem xét cấp căn cước công dân bằng công nghệ hiện đại. Hiện đang thí điểm ở 16 tỉnh và thành phố. 

Trung tướng Vệ giải thích thêm, mặc dù hiện nay, việc cấp thẻ căn cước công dân đang được thực hiện tại 16 địa phương nhưng từ ngày 1-1-2020 sẽ cấp căn cước công dân trong toàn quốc. Lúc đó, những người dân đang dùng CMND vẫn được phép sử dụng tới khi hết thời hạn chứ không bắt buộc phải đi đổi ngay sang thẻ căn cước công dân. 

CMND vẫn sử dụng song song các giao dịch dân sự đến khi hết hạn và sẽ được tự động chuyển sang mã số định danh trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. 

Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng kiêm Người phát ngôn Bộ Công an cho biết: Tới ngày 1-1-2020, sẽ cấp căn cước công dân trong toàn quốc, nếu người dân nào không muốn chuyển đổi sang căn cước thì vẫn được quyền sử dụng CMND đến khi hết hạn. Về sổ hộ khẩu, đến hết năm 2020, sau khi Bộ Công an hoàn thành hệ thống dữ liệu công dân, thì khi các bộ, ngành có giao dịch gì thì chỉ cần vào lấy thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, không gây phiền hà cho người dân.

“Chắc chắn tới năm 2020 sẽ hoàn thành cơ sở dữ liệu dân cư, khi đó Bộ Công an đề xuất chuyển từ quản lý hộ khẩu bằng giấy tờ sang quản lý bằng công nghệ số hóa. Việc đề xuất đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân trong lĩnh vực đăng ký, quản lý cư trú và cấp căn cước công dân sẽ phụ thuộc vào tiến độ triển khai dự án Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân”, Thiếu tướng Lương Tam Quang cho hay. 

Thiếu tướng Lương Tam Quang cho biết thêm, Nghị quyết số 112/NQ-CP ngày 30-10-2017 về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Công an nêu rõ tất cả các loại giấy tờ liên quan đi kèm sẽ được thay thế và các luật, nghị định, thông tư cần sửa đổi, bổ sung khi triển khai thực hiện.

Trao đổi với phóng viên về lộ trình thực hiện, Trung tướng Trần Văn Vệ chia sẻ: Việc xây dựng dữ liệu khó khăn nhất là giai đoạn thu thập, vì rất kỳ công. Còn tới khi cập nhật thì máy móc đã có sẵn. Bộ Công an sẽ triển khai và tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác này trên toàn quốc. Sau tập huấn, cán bộ công an xã, phường sẽ phát bảng kê để xuống từng hộ đối chiếu dữ liệu của mình, sau đó sẽ xác thực và nhập dữ liệu. Đây là dữ liệu gốc, nên phải đảm bảo chuẩn xác tuyệt đối, bởi chỉ sai một tên đệm thì cũng phải đối chiếu lại. 

Bộ Công an hiện đã thực hiện thí điểm thành công tại Thành phố Hải Phòng với 1,8 triệu dữ liệu và hiện đang đúc rút kinh nghiệm, triển khai phổ biến trên toàn quốc. 

Bộ Công an cho biết, chủ trương chuyển đổi về hình thức quản lý công dân từ sổ hộ khẩu giấy sang quản lý bằng mã số định danh cá nhân nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân. Khi đó, người dân đi ra đường không cần phải mang theo  nhiều loại giấy tờ, để cùng một lúc phải kiểm tra, mà chỉ cần một mã số định danh là có thể có được thông tin cá nhân cần thiết./.

Theo baotintuc.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com