Hoạt động của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31

07:11, 15/11/2017

Theo đặc phái viên TTXVN, chiều 13-11, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31 và các Hội nghị Cấp cao liên quan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 40 năm quan hệ đối thoại ASEAN - Hoa Kỳ, các Hội nghị Cấp cao ASEAN+1 với Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản tại Ma-ni-la, Phi-líp-pin.

Phát biểu tại các Hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với các đối tác, đánh giá cao cam kết của các đối tác tiếp tục hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng và phát huy vai trò trung tâm ở khu vực. Thủ tướng đề nghị các đối tác tiếp tục tăng cường hợp tác với ASEAN, tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên và phát huy được thế mạnh của mỗi bên. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chia sẻ quan điểm, lập trường của Việt Nam về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Về Bán đảo Triều Tiên, Thủ tướng chia sẻ quan ngại và đề nghị thực hiện nghiêm túc các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; đồng thời khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam ủng hộ phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. 

Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẵn sàng cùng các nước ASEAN đóng góp tích cực vào các nỗ lực chung vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực. Về Biển Đông, Thủ tướng chia sẻ cùng các nước ASEAN và Đối tác những diễn biến phức tạp gần đây có khả năng đe doạ hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Cấp cao ASEAN với Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Ảnh: Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Cấp cao ASEAN với Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Ảnh: Quang Hiếu

Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam mong các đối tác tiếp tục đóng góp xây dựng cho việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, thúc đẩy các bên tự kiềm chế, không tiến hành các hành động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, ủng hộ ASEAN và Trung Quốc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn thành Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) thực chất và ràng buộc pháp lý. 

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hoa Kỳ lần thứ 5 - Hội nghị Cấp cao ASEAN đầu tiên mà Tổng thống Hoa Kỳ Đô-nan Trăm tham dự kể từ khi lên nắm quyền, hai bên đã chia sẻ về tình hình Biển Đông, Bán đảo Triều Tiên, chống chủ nghĩa khủng bố và cực đoan. 

Về kinh tế, các nhà lãnh đạo nhất trí định hướng quan hệ ASEAN - Hoa Kỳ tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến công nghệ cao nhằm hỗ trợ các nước ASEAN nâng cao năng lực về phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), thúc đẩy khởi nghiệp và nền kinh tế số. Về văn hóa - xã hội, hai bên cam kết tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là hợp tác về thanh niên thông qua các sáng kiến kết nối của Hoa Kỳ như Sáng kiến Lãnh đạo trẻ Đông Nam Á (YSEALI), Chương trình nghiên cứu Fulbright về ASEAN và Chương trình Khoa học và Kỹ thuật ASEAN - Hoa Kỳ. 

Tại Hội nghị, ngoài Tuyên bố kỷ niệm 40 năm quan hệ và Tuyên bố Chủ tịch của Phi-líp-pin, các nhà lãnh đạo đã ghi nhận văn kiện về “Hợp tác ASEAN - Hoa Kỳ trong thúc đẩy thương mại trong truyền thông và dịch vụ công nghệ thông tin” với mục tiêu hướng tới phát triển kinh tế số và phát triển bền vững. 

Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hoa Kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chào mừng Tổng thống Đô-nan Trăm lần đầu tiên tham dự Hội nghị Cấp cao của ASEAN và đánh giá cao kết quả hợp tác giữa hai bên trong thời gian qua. Thủ tướng hoan nghênh các cam kết của chính quyền Tổng thống Trăm với ASEAN và khu vực, ủng hộ ASEAN thúc đẩy vai trò trung tâm và xây dựng thành công cộng đồng cũng như thực hiện mục tiêu duy trì môi trường hoà bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Thủ tướng cũng kêu gọi hai bên tăng cường hợp tác về kinh tế, đặc biệt là kinh tế số và kinh tế sáng tạo trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 phục vụ mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm của khu vực và toàn cầu. 

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 20, các nhà lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc đã xem xét và thông qua Tuyên bố về tăng cường hợp tác kết nối cơ sở hạ tầng; Tuyên bố về Hợp tác du lịch khẳng định nhu cầu thúc đẩy hợp tác giữa hai bên.

Liên quan đến Biển Đông, tại Hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc đã chính thức tuyên bố khởi động tham vấn và đàm phán về nội dung Bộ quy tắc COC; coi đây là cơ sở quan trọng góp phần duy trì hòa bình ở Biển Đông; đồng thời khẳng định lại việc thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Tuyên bố DOC và tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. 

Nhân dịp này, lãnh đạo hai phía cũng đã thông qua Tuyên bố về thập kỷ bảo vệ môi trường biển và bờ biển ở Biển Đông với mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống kinh tế giúp người dân trong khu vực ứng phó với các tác động từ biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. 

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh việc hai bên đã thông qua khung COC và đề nghị sớm tiến hành đàm phán thực chất COC mang tính khả thi và ràng buộc pháp lý. Về định hướng hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới, Thủ tướng chia sẻ quan điểm ủng hộ đề xuất xây dựng Tầm nhìn Đối tác Chiến lược ASEAN - Trung Quốc 2030 của Trung Quốc theo hướng tiếp tục hỗ trợ xây dựng Cộng đồng ASEAN và nhất trí với các nước chọn chủ đề hợp tác ASEAN - Trung Quốc trong năm 2018 là “Sáng tạo”. Với chủ đề này, Thủ tướng tin rằng, hợp tác hai bên trong năm sau sẽ được thúc đẩy theo hướng năng động, sáng tạo nhằm tăng cường khả năng hội nhập và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp ASEAN. 

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hàn Quốc lần thứ 19, lần đầu tiên tham dự Hội nghị Cấp cao với ASEAN, Tổng thống Hàn Quốc Mun Chê-in khẳng định tiếp tục cam kết ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình. Hai bên nhất trí sẽ tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực bao gồm phát triển bền vững, xoá nghèo và tăng trưởng xanh, kinh tế - thương mại, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), thương mại điện tử, tăng cường giao lưu nhân dân, thu hẹp khoảng cách phát triển và nâng cao năng lực liên quan đến an ninh mạng. 

 Phát biểu tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh hai bên cần tiếp tục đặt hợp tác kinh tế làm ưu tiên hàng đầu, đặc biệt thúc đẩy các hoạt động liên quan đến hỗ trợ nâng cao năng lực, chuyển giao công nghệ và chia sẻ kinh nghiệm quản lý phục vụ phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs). 

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nhật Bản lần thứ 20, lãnh đạo hai bên nhấn mạnh nỗ lực chung để ứng phó với các thách thức đối với hoà bình, an ninh và ổn định khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông và Bán đảo Triều Tiên. Đáng chú ý, các nhà lãnh đạo ASEAN và Nhật Bản nhất trí cần tăng cường hơn nữa hợp tác chống khủng bố, cướp biển, tội phạm mạng và an ninh biển thông qua các hoạt động nâng cao năng lực và chia sẻ thông tin tình báo. 

Phát biểu ở hội nghị này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng hai bên cần thúc đẩy hoạt động của Mạng lưới Sáng tạo ASEAN - Nhật Bản, tăng cường gắn kết cộng đồng doanh nghiệp giữa các nước ASEAN và Nhật Bản, thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo. Nhân dịp này, Thủ tướng cũng khẳng định Việt Nam sẽ tích cực phối hợp với các nước thành viên ASEAN và Nhật Bản để triển khai hiệu quả các kế hoạch hợp tác giữa hai bên trong vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN - Nhật Bản giai đoạn 2018-2021.

Nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 31 và các hội nghị cấp cao liên quan tại Ma-ni-la, Phi-líp-pin, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, tối 13-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp với Tổng Thư ký Liên hợp quốc An-tô-ni-ô Gu-tê-rét và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Đô-nan Túc-xcơ.

Trong cuộc gặp với Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ hợp tác với Liên hợp quốc; cam kết sẽ tăng cường tham gia, đóng góp tích cực vào các công việc chung của Liên hợp quốc. Việt Nam mong muốn tiếp tục phối hợp với các nước thúc đẩy Liên hợp quốc đóng vai trò trung tâm, đặc biệt trong việc gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế; thúc đẩy hợp tác phát triển bền vững.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc An-tô-ni-ô Gu-tê-rét chia sẻ hình ảnh Việt Nam luôn gần gũi với đất nước Bồ Đào Nha, quê hương ông, nhất là đối với thế hệ trẻ; cá nhân ông dành nhiều tình cảm yêu mến đối với Việt Nam. Ông Gu-tê-rét nhấn mạnh Liên hợp quốc đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và khẳng định Việt Nam là ưu tiên hàng đầu của Liên hợp quốc tại khu vực trong triển khai các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững. Tổng Thư ký Liên hợp quốc An-tô-ni-ô Gu-tê-rét cho biết các ủy ban kinh tế của Liên hợp quốc sẽ huy động hết sức phối hợp, hỗ trợ nguồn lực để Việt Nam thực hiện thành công Kế hoạch chiến lược chung về hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc giai đoạn 2017-2021, qua đó góp phần thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.

Trao đổi về các vấn đề khu vực, hai bên nhất trí ủng hộ, thúc đẩy việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển 1982; mong ASEAN và Trung Quốc sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Tại cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Đô-nan Túc-xcơ gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân của cơn bão Damrey và bày tỏ Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả cơn bão.

Hai bên đánh giá cao những bước phát triển tích cực của quan hệ đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam - EU. Hợp tác kinh tế, thương mại đạt kết quả tích cực, kim ngạch thương mại trong 9 tháng đầu năm 2017 tăng 14%. Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực nhằm đưa quan hệ đi vào chiều sâu, nhất là trong việc tiếp tục thúc đẩy hợp tác chặt chẽ trong khuôn khổ hợp tác Diễn đàn Á - Âu (ASEM) và ASEAN - EU.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Hội đồng châu Âu sớm ký và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mời Chủ tịch Hội đồng châu Âu Đô-nan Túc-xcơ thăm chính thức Việt Nam. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Đô-nan Túc-xcơ đã vui vẻ nhận lời.

Tối 13-11, tại Ma-ni-la, Phi-líp-pin, Hội nghị Cấp cao Mê Công - Nhật Bản lần thứ 9 đã diễn ra với sự tham dự của lãnh đạo các nước Căm-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Thái Lan, Việt Nam và Nhật Bản. Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu tham dự hội nghị.

Hội nghị đã ghi nhận những kết quả quan trọng đạt được trong việc hiện thực hóa Chiến lược Tô-ky-ô 2015, bao gồm triển khai “Kế hoạch hành động của Chiến lược Tô-ky-ô 2015”, “Sáng kiến kết nối Mê Công - Nhật Bản” và “Tầm nhìn phát triển công nghiệp Mê Công”. Các nước Mê Công đánh giá cao sự hỗ trợ của Nhật Bản dành cho hợp tác tiểu vùng. Sau khoảng 2 năm triển khai các kế hoạch hành động của Chiến lược Tô-ky-ô 2015 và Tầm nhìn phát triển công nghiệp Mê Công - Nhật Bản, đã thực hiện tài trợ hơn 2/3 số tiền cam kết là 750 tỷ yên (khoảng 6,6 tỷ USD) dành cho 3 năm 2016-2018. Lãnh đạo các nước Mê Công cũng hoan nghênh cam kết của Nhật Bản triển khai “Quan hệ đối tác vì cơ sở hạ tầng bền vững” và tiến trình thực hiện “Sáng kiến Hợp tác phát triển nhân lực công nghiệp” do Nhật Bản hỗ trợ.

Về định hướng hợp tác thời gian tới, các nhà lãnh đạo nhất trí: Tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế - công nghiệp giữa Nhật Bản với các nước Mê Công theo định hướng của tài liệu “Phát triển công nghiệp Mê Công kết nối” đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế Mê Công - Nhật Bản lần thứ 9; Tăng cường sự phối hợp giữa hợp tác Mê Công - Nhật Bản với các tổ chức khu vực và quốc tế khác như Ngân hàng Phát triển châu Á, Trung tâm Nhật Bản - ASEAN, Ủy hội sông Mê Công...; Hỗ trợ các nước Mê Công thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, triển khai các dự án ứng phó lũ lụt, hạn hán và tái khẳng định ý nghĩa sống còn của việc quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước và bảo vệ môi trường sông Mê Công.

Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo cũng trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Hội nghị cũng nhấn mạnh việc tăng cường thực thi pháp luật của các nước Mê Công với sự hỗ trợ của Nhật Bản, bao gồm nâng cao năng lực chấp pháp trên biển và chống khủng bố, cũng như thúc đẩy hơn nữa giao lưu văn hóa và nhân dân giữa Nhật Bản và các nước Mê Công.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá sau 10 năm thành lập, hợp tác Mê Công - Nhật Bản ngày càng hiệu quả, khẳng định vai trò quan trọng trong khu vực và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Thủ tướng cũng cảm ơn sự hỗ trợ của Chính phủ và nhân dân Nhật Bản dành cho khu vực Mê Công nói chung và Việt Nam nói riêng. Thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh hợp tác Mê Công - Nhật Bản cần chú trọng hỗ trợ các nước Mê Công: Phát triển công nghiệp và nông nghiệp tiên tiến; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như năng lực nghiên cứu phát triển; Xây dựng hạ tầng chất lượng cao và tăng cường kết nối khu vực, bao gồm các tuyến hành lang giao thông liên quốc gia và hệ thống logistic; Chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng xanh, sạch và bền vững, đồng thời bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công.

Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo đã ra Tuyên bố chung và nhất trí sẽ tổ chức Hội nghị Cấp cao Mê Công - Nhật Bản lần thứ 10 tại Nhật Bản.

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Liên hợp quốc lần thứ 9, các nhà lãnh đạo đánh giá cao những kết quả đã đạt được, đặc biệt trong thực hiện Kế hoạch hành động triển khai Tuyên bố chung về Đối tác toàn diện giữa ASEAN và Liên hợp quốc (2016-2020), thúc đẩy nỗ lực chung trong phát triển cơ sở hạ tầng khu vực, nâng cao năng lực hợp tác công - tư, phát triển các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) và tăng cường tính tự cường của ASEAN trong ứng phó biến đổi khí hậu và thảm họa thiên tai. Hội nghị nhất trí tiếp tục thúc đẩy triển khai Kế hoạch hành động ASEAN - Liên hợp quốc 2016-2020 cũng như phối kết hợp Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 với các lĩnh vực ưu tiên gồm gìn giữ hòa bình, chống tội phạm xuyên quốc gia, thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo… 

Trong không khí lễ kỷ niệm vàng của ASEAN, các nhà lãnh đạo hoan nghênh Nghị quyết kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN của Đại hội đồng Liên hợp quốc - nghị quyết đầu tiên của Liên hợp quốc kỷ niệm thành lập một tổ chức khu vực. Nhân dịp lần đầu tiên dự Hội nghị Cấp cao ASEAN, Tổng Thư ký Liên hợp quốc An-tô-ni-ô Gu-tê-rét khẳng định cam kết thúc đẩy mối quan hệ Đối tác toàn diện ASEAN - Liên hợp quốc theo hướng hỗ trợ thực tiễn ASEAN thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng 2025 và các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 về phát biển bền vững của Liên hợp quốc.

Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Liên hợp quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ cảm ơn và hoan nghênh việc Đại Hội đồng Liên hợp quốc lần đầu tiên thông qua một nghị quyết kỷ niệm một tổ chức khu vực dịp ASEAN kỷ niệm 50 năm thành lập. Thủ tướng đề nghị hai bên cần tăng cường tham vấn, phối hợp để thúc đẩy các chương trình hợp tác ASEAN - Liên hợp quốc về phát triển bền vững và cải thiện an sinh xã hội. Bên cạnh đó, hai bên cần tăng cường chia sẻ và thúc đẩy lợi ích chung, hỗ trợ lẫn nhau trong ứng phó với các thách thức mang tính khu vực và toàn cầu như biến đổi khí hậu, thảm họa thiên tai cũng như đề cao chủ nghĩa đa phương và luật pháp quốc tế.

Sáng 14-11, các nhà lãnh đạo ASEAN họp Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 với lãnh đạo Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc; tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 40 năm quan hệ ASEAN - Ca-na-đa và cấp cao kỷ niệm 40 năm quan hệ ASEAN - EU.

Cũng trong sáng 14-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội kiến với Thủ tướng Ấn Độ Na-ren-đra Mô-đi nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31 và các hội nghị cấp cao liên quan tại Thủ đô Ma-ni-la của Phi-líp-pin từ ngày 12 đến 14-11.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Ấn Độ đạt được nhiều thành tựu ấn tượng trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác Chiến lược toàn diện với Ấn Độ. 

Thủ tướng Ấn Độ Na-ren-đra Mô-đi đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; khẳng định tiếp tục coi Việt Nam là một trong những trụ cột của chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ. 

Hai Thủ tướng bày tỏ vui mừng về những phát triển tích cực trong quan hệ hai nước, nhất là trong Năm Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ 2017 kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao, 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và năm đầu tiên đưa quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện đi vào triển khai với nhiều hoạt động thiết thực và có ý nghĩa. 

Hai bên đã trao đổi các biện pháp nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác song phương; nhất trí thúc đẩy hợp tác quốc phòng, với việc Ấn Độ tăng cường chia sẻ công nghệ và cung cấp tín dụng quốc phòng cho Việt Nam. 

Về kinh tế - thương mại, hai bên tin tưởng sẽ đạt được mục tiêu kim ngạch 15 tỷ USD vào năm 2020; nhất trí triển khai các biện pháp cụ thể, trong đó đẩy mạnh kết nối hàng không và hàng hải. 

Ấn Độ tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh và Việt Nam đang có nhu cầu như xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo, xây dựng khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư hai nước; thúc đẩy hợp tác về năng lượng, trong đó có việc Ấn Độ tiến hành thăm dò và khai thác dầu khí, xây dựng nhà máy nhiệt điện. 

Hai bên cũng nhất trí triển khai hiệu quả Hiệp định Khung về khai thác và sử dụng không gian vũ trụ vì mục đích hòa bình; thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực y tế, văn hóa, giao lưu nhân dân… 

Hai Thủ tướng cũng đã trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Việt Nam ủng hộ chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ; ủng hộ Ấn Độ có vai trò, vị thế cao hơn ở khu vực và tăng cường đối tác Chiến lược với ASEAN. Hai bên khẳng định tiếp tục phối hợp và ủng hộ nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. 

Trao đổi về những diễn biến gần đây tại Biển Đông, hai Thủ tướng nhất trí về tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế./.

Theo TTXVN

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com