Sáng 28-10-2017, Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết tình hình sắp xếp đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của Cty nông - lâm nghiệp giai đoạn 2015-2017. Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các Bộ: NN và PTNT, TN và MT, Tài chính, LĐ-TB và XH, NHNN Việt Nam. Tham dự hội nghị tại đầu cầu tỉnh ta có đồng chí Ngô Gia Tự, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các Sở: KH và ĐT, NN và PTNT, Tài chính, Chi nhánh NHNN tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh; các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tỉnh; lãnh đạo các Cty TNHH một thành viên Nông nghiệp Rạng Đông và Bạch Long.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo hội nghị. Ảnh: nhandan.com.vn |
Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12-3-2014 về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của Cty nông - lâm nghiệp (Nghị quyết số 30-NQ/TW), Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương triển khai thực hiện. Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 nghị định, 3 nghị quyết làm cơ sở để các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW. Các bộ, ngành đã ban hành nhiều quyết định, thông tư, thông tư liên tịch để thể chế hóa, hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thực hiện sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của Cty nông - lâm nghiệp theo Nghị quyết số 30-NQ/TW bảo đảm toàn diện, kịp thời để tổ chức triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, các địa phương, tập đoàn, tổng Cty quản lý Cty nông - lâm nghiệp thực hiện xây dựng phương án tổng thể về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động theo hướng dẫn. Đến nay 41/41 phương án tổng thể của các tỉnh, thành phố, tập đoàn, tổng Cty đã hoàn thành và gửi Bộ NN và PTNT. Hội đồng thẩm định đã tổ chức thẩm định phương án tổng thể, tư vấn cho Bộ NN và PTNT trình Thủ tướng Chính phủ. Hiện đã có 40/41 phương án tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phương án tổng thể của Thành phố Hà Nội chưa được phê duyệt do UBND thành phố đang xem xét để hoàn thiện phương án theo ý kiến của Hội đồng thẩm định. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án tổng thể đã có một số địa phương, doanh nghiệp triển khai thực hiện tích cực như: Vĩnh Phúc, Lào Cai, Bắc Giang, Kiên Giang, Tây Ninh, Bình Dương, Quảng Bình, Tổng Cty Lâm nghiệp Việt Nam… Những Cty nông - lâm nghiệp sau khi sắp xếp lại, bước đầu sản xuất, kinh doanh ổn định, cơ bản đã xử lý được tồn tại về tài chính, tranh chấp, lấn chiếm đất đai. Định hướng, chiến lược sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đã cụ thể và sát thực với tình hình thực tế. Tuy nhiên vẫn còn một số địa phương, doanh nghiệp thực hiện chậm tiến độ như: Cty TNHH một thành viên Nông nghiệp Bạch Long, Rạng Đông (Nam Định), Cty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Sóc Trăng (Sóc Trăng), Cty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Bình Thuận (Bình Thuận)… Một số địa phương khi xây dựng phương án tổng thể chưa sát thực tế, chưa đánh giá cân nhắc kỹ lưỡng về hình thức sắp xếp, đổi mới nên sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án tổng thể, tiếp tục đề nghị thay đổi, điều chỉnh mô hình sắp xếp Cty nông - lâm nghiệp, vì vậy làm chậm tiến độ thực hiện như: Quảng Ninh, Nghệ An, Bình Thuận, Cà Mau và Thành phố Hà Nội. Việc triển khai thực hiện sắp xếp, đổi mới đối với hai mô hình cổ phần hóa và Cty TNHH hai thành viên tại các địa phương rất chậm… Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do một số địa phương chưa quan tâm, thiếu nghiêm túc hoặc quá chậm khi thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị, Quyết định số 686/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định số 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ nên chưa xây dựng phương án để Bộ NN và PTNT thẩm định trình Chính phủ phê duyệt. Trong công tác sắp xếp, đổi mới các Cty nông - lâm nghiệp phải rà soát, xây dựng phương án sử dụng đất cho doanh nghiệp (kể cả phần giữ lại và phần bàn giao về địa phương), đây là nội dung phức tạp cần phải có thời gian. Việc thực hiện bàn giao đất từ các Cty về địa phương gặp nhiều khó khăn; các Cty nông - lâm nghiệp có nhiều tồn tại về tài chính do công nợ, hàng tồn kho qua nhiều thời kỳ, hồ sơ không đầy đủ… gây khó khăn trong giải quyết, việc xử lý các tồn tại về đất đai chậm trễ do đó ảnh hưởng đến tiến độ sắp xếp, đổi mới. Các Cty lâm nghiệp phải điều tra, kiểm kê, xác định giá trị rừng lớn nên kéo dài thời gian sắp xếp doanh nghiệp. Lao động dôi dư đối với Cty được sắp xếp theo mô hình Cty TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước không có chế độ giải quyết, do đó dẫn đến khó khăn trong việc tinh giản bộ máy.
Thời gian tới, các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố, các tập đoàn, tổng Cty có Cty nông - lâm nghiệp tiếp tục quán triệt quan điểm, tư tưởng, chủ trương, mục tiêu sắp xếp, đổi mới và phát triển các Cty nông - lâm nghiệp theo Nghị quyết số 30-NQ/TW. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để hoàn thành cơ bản việc sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Cty nông - lâm nghiệp theo đề án được duyệt trong năm 2018. Giải quyết khó khăn, vướng mắc, hoàn thiện cơ chế, chính sách để Cty nông - lâm nghiệp sau sắp xếp lành mạnh về tài chính, quản lý chặt chẽ đất đai, sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Các địa phương khẩn trương hoàn thành phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới Cty nông - lâm nghiệp đã được phê duyệt; báo cáo kịp thời khó khăn, vướng mắc, cần thiết đề nghị điều chỉnh, bổ sung phương án gồm: Nghệ An, Nam Định, Sóc Trăng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bình Thuận, Thành phố Cần Thơ. Khẩn trương hoàn thành việc rà soát, đo đạc, cắm mốc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; phê duyệt phương án sử dụng đất của các Cty nông - lâm nghiệp; xử lý dứt điểm các trường hợp cho thuê, cho mượn, lấn chiếm, tranh chấp, liên danh liên kết, hợp tác đầu tư và các vi phạm pháp luật đất đai…
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chỉ rõ, ngoài một số nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng chậm sắp xếp các Cty nông - lâm nghiệp như việc thực hiện chính sách khoán, giao đất, tranh chấp đất, tồn đọng tài chính kéo dài qua nhiều thời kỳ lịch sử…, còn có nguyên nhân chủ quan đó là một số nơi người đứng đầu chưa quyết liệt, chưa quan tâm đúng mức trong quá trình thực hiện; nhiều đơn vị ngại không muốn làm vì sợ phơi bày và phải xử lý các tồn đọng... Phó Thủ tướng giao Bộ NN và PTNT, TN và MT và các bộ, ngành liên quan bám sát nhiệm vụ tháo gỡ từng vướng mắc cho doanh nghiệp, địa phương theo các chuyên đề cổ phần hóa, đo đạc đất, chuyển mô hình thành cổ phần 2 thành viên, xác định giá trị doanh nghiệp, phê duyệt phương án sử dụng đất, lập bản đồ địa chính, việc ký các hợp đồng cho thuê đất, xử lý tình trạng lấn chiếm, liên doanh liên kết không đúng quy định. Đồng thời Bộ TN và MT cập nhật hệ thống quản lý rừng, đất đai; Bộ Tài chính hướng dẫn các địa phương kêu gọi tư nhân góp vốn thành lập Cty TNHH nông - lâm nghiệp 2 thành viên trở lên bảo đảm không thất thoát vốn, hoạt động hiệu quả, bền vững. Phó Thủ tướng đề nghị cần có chuyên đề liên quan về đất đai, phương án cụ thể về từng trường hợp ở mỗi địa bàn, khu vực, doanh nghiệp. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương với địa phương, nhất là vai trò của chính quyền địa phương. Tới đây Quốc hội sẽ tiến hành giám sát về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra về công tác quản lý đất đai, vì vậy các bộ, ngành, các địa phương phải vào cuộc quyết liệt hơn để giải quyết vấn đề này; đồng thời phải hướng dẫn, đôn đốc, lập kế hoạch, quy hoạch nhận bàn giao đất cho các Cty nông - lâm nghiệp và phương án quản lý, sử dụng đất sau khi đã được chuyển giao về cho địa phương./.
Văn Đại