Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Mục tiêu của Đề án là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quyền con người nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người học, của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục về tầm quan trọng, ý thức tự bảo vệ các quyền của bản thân, tôn trọng nhân phẩm, các quyền và tự do của người khác; ý thức về trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân đối với Nhà nước và xã hội, góp phần phát triển toàn diện con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững của đất nước.
Trong giai đoạn 2017-2020, đối với giáo dục mầm non và phổ thông (tiểu học, THCS và THPT) sẽ tiến hành thí điểm ở 3 tỉnh, thành phố đại diện cho ba miền; đối với giáo dục đại học, dạy thí điểm cho các khối trường theo nhóm ngành đào tạo; đối với giáo dục nghề nghiệp, tổ chức dạy thí điểm cho các khối trường theo nhóm ngành, nghề đào tạo. Đến năm 2025, 100% các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân tổ chức giáo dục quyền con người cho người học.
* Năm học 2017-2018, Bộ GD và ĐT tập trung rà soát, bổ sung chương trình, nội dung và thời lượng tài liệu giáo dục an toàn giao thông để đưa vào giảng dạy chính khóa tại các trường tiểu học, THCS và THPT trên cả nước, đồng thời hoàn thành việc biên soạn bộ tài liệu về văn hóa giao thông cho học sinh tiểu học, THCS. Với cấp học mầm non, việc giáo dục an toàn giao thông được thực hiện theo hình thức tích hợp.
Nhằm triển khai Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên đến trường - tháng 9-2017, Bộ GD và ĐT yêu cầu các nhà trường đẩy mạnh việc giáo dục kiến thức, quy định về an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên; tổ chức ký cam kết chấp hành quy định an toàn giao thông giữa nhà trường, gia đình và học sinh, trong đó đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu phụ huynh không giao xe máy cho học sinh chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe và đội mũ bảo hiểm cho học sinh khi ngồi trên xe gắn máy./.
PV