Theo Bộ Y tế, tính tới đầu tháng 8, cả nước đã ghi nhận hơn 71 nghìn trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó có hơn 60 nghìn ca nhập viện, 19 người chết. So cùng kỳ năm 2016, số trường hợp mắc SXH nhập viện tăng 24,8%, số người chết tăng 3 người.
Số người mắc SXH tăng đột biến đang khiến hầu hết bệnh viện (BV) tuyến Trung ương trên địa bàn Hà Nội như: Bạch Mai, Bệnh nhiệt đới Trung ương, E, Nhi Trung ương... bị quá tải bệnh nhân SXH, tình trạng nằm ghép 2-3 người/giường phổ biến. Cùng với tình trạng quá tải bệnh nhân SXH, các BV cũng ghi nhận khá nhiều chùm ca bệnh mà cả nhà cùng nhập viện vì SXH. TS Đỗ Duy Cường, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai, cho biết, Khoa Truyền nhiễm đã tiếp nhận những trường hợp cả 4 người trong một nhà nhập viện điều trị SXH. Cũng có những trường hợp một phòng trọ có 5-6 người ở chung cùng mắc SXH phải nhập viện. Đáng lo hơn, các bác sĩ ghi nhận không ít ca mắc SXH vừa điều trị khỏi chưa lâu lại tái mắc, thậm chí có người mắc SXH đến 3-4 lần.
Ảnh minh hoạ/Internet. |
Mặc dù dịch bệnh SXH đang diễn ra rất phức tạp, với số người mắc tăng “chóng mặt” hằng ngày, nhưng theo đánh giá của Bộ Y tế cho thấy không ít người dân và cả chính quyền địa phương vẫn còn chủ quan, lơ là trước dịch bệnh. Hơn nữa sự chủ động, phối hợp của người dân và cơ quan y tế và các ban, ngành, đoàn thể trong phòng chống dịch SXH tại một số địa phương chưa cao, việc triển khai biện pháp phun hóa chất diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy ở khu vực thành thị gặp nhiều khó khăn, không triệt để, thậm chí nhiều người còn bất hợp tác với lực lượng dịch tễ.
Nguy hiểm hơn, nhiều trường hợp, nhất là với trẻ nhỏ bị SXH nhưng bố mẹ không đưa trẻ tới viện mà tự điều trị tại nhà, khi liên tục cho trẻ dùng thuốc hạ sốt chứa aspirin, hay paracetamol gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. TS Đỗ Duy Cường cảnh báo, sai lầm phổ biến nhất khi mắc SXH mà người dân cần tránh là không tự ý sử dụng các thuốc hạ sốt dồn dập. Từ thực tiễn tiếp nhận điều trị các bệnh nhân SXH cho thấy, do bệnh nhân SXH thường sốt cao nên người nhà luôn tìm cách giảm sốt cấp tốc, nhất là đối với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, SXH là sốt do vi-rút nên nhiệt độ hạ xong lại tiếp tục tăng cao. Vì thế, người bệnh chỉ nên dùng thuốc giảm sốt theo đúng chỉ định của bác sĩ 4-5 lần/ngày, 5-6 giờ/lần. Nếu sử dụng thuốc hạ sốt quá liều liên tục sẽ dẫn đến tổn thương gan, tệ hơn người mắc SXH tự ý dùng thuốc aspirin và ibuprofen để hạ sốt sẽ rất nguy hiểm vì 2 loại thuốc này làm cho tình trạng chảy máu trầm trọng hơn, có thể gây xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.
Đối với việc bệnh nhân SXH tự ý truyền dịch tại nhà hoặc thuê người truyền dịch không có chỉ định của bác sĩ cũng phải tránh tuyệt đối. Bởi việc tự ý truyền dịch khi bị SXH có thể dẫn đến phù nề, suy hô hấp, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh nhân SXH chỉ nên truyền dịch khi có chỉ định của bác sĩ và phải đến cơ sở y tế để truyền dịch. Sau giai đoạn thoát dịch ở bệnh nhân SXH là giai đoạn tái hấp thu trở lại nên việc truyền dịch cần đảm bảo đúng liều lượng và hết sức thận trọng, nếu không dễ dẫn đến biến chứng suy tim, phù phổi cấp. Các bác sĩ cũng cảnh báo, bệnh SXH chưa có vắc-xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu nên người dân sống trong vùng dịch khi có biểu hiện sốt, nghi ngờ mắc SXH cần đến cơ sở y tế khám để được chẩn đoán, điều trị sớm, tránh biến chứng nặng, không nên áp dụng các bài thuốc lá, thuốc nam truyền miệng không rõ nguồn gốc./.
PV