Sáng 29-8, tại Đà Nẵng, Bộ NN và PTNT phối hợp với Báo Nông thôn ngày nay và UBND Thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Sửa đổi Nghị định 67 - Những vấn đề cần đặt ra”.
Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ được ban hành ngày 7-7-2014. Đến nay qua quá trình thực hiện, đã có 27/28 tỉnh, thành phố ven biển phê duyệt danh sách các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn để đóng mới, nâng cấp cho 1.948/2.284 tàu, trong đó đóng mới 1.510 tàu, đạt 66,11% (bao gồm 768 tàu vỏ thép và vật liệu mới, chiếm 51%; tàu vỏ gỗ là 742 tàu, chiếm 49%). Tổng số tiền cam kết cho vay đóng mới tàu cá là 9.931 tỷ đồng và đã giải ngân cho vay được 9.012 tỷ đồng, dư nợ đạt 8.838 tỷ đồng.
Quang cảnh Hội thảo |
Theo Bộ NN và PTNT, tính đến 31-7-2017 đã có 761 tàu đóng mới đi vào hoạt động, trong đó có 301 tàu vỏ thép, 53 tàu composite, 407 tàu vỏ gỗ đóng mới và 105 tàu cá nâng cấp đi vào hoạt động sản xuất.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực mà Nghị định 67 của Chính phủ mang lại, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định trên cũng đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Trước tình hình đó, hiện Bộ NN và PTNT đang khẩn trương xây dựng dự thảo lấy ý kiến về bổ sung, sửa đổi một số điều của Nghị định trên và dự kiến sẽ ban hành vào cuối năm nay và có hiệu lực từ ngày 1-1-2018.
Hội thảo lần này sẽ là diễn đàn để đại biểu đến từ các bộ, ngành Trung ương và các địa phương, ngư dân, doanh nghiệp, ngân hàng chia sẻ, trao đổi các khía cạnh khác nhau để dự thảo Nghị định tới đây được hoàn chỉnh, nhất là những vấn đề liên quan đến thủ tục tín dụng, đào tạo nhân lực, bảo hiểm cho tàu cá, giám sát chất lượng đóng tàu, nâng cao hiệu quả khai thác, đánh bắt.
Cũng thông qua Hội thảo, Bộ NN và PTNT sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu và tâm tư nguyện vọng của ngư dân để tìm ra giải pháp, đồng thời đề xuất các kiến nghị với Đảng, Nhà nước để tháo gỡ khó khăn, bất cập./.
Theo dangcongsan.vn