Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: hết tháng 6-2017, tổng số dư nguồn vốn huy động của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 41.904 tỷ đồng, tăng 2.960 tỷ đồng (bằng 7,6%) so với đầu năm và tăng 5.895 tỷ đồng (bằng 16,4%) so với cùng kỳ. Tổng dư nợ cho vay đạt 42.745 tỷ đồng, tăng 3.203 tỷ đồng (bằng 8,1%) so với đầu năm và tăng 8.086 tỷ đồng (bằng 23,3%) so với cùng kỳ năm 2016.
Cơ cấu dư nợ cho vay tiếp tục chuyển dịch theo hướng phục vụ mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh; trong đó dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là 18.936 tỷ đồng, chiếm 44,3% tổng dư nợ cho vay. Dư nợ cho vay ngắn hạn chiếm 58%; nguồn vốn cho vay trung, dài hạn chiếm 42%. Phân theo ngành kinh tế thì dư nợ cho vay ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm 24%; ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 40%; ngành thương mại, dịch vụ chiếm 36%. Phân theo loại khách hàng vay thì dư nợ cho vay thì có 1.575 doanh nghiệp có dư nợ 16.457 tỷ đồng, chiếm 38,5%; 31 HTX có dư nợ 110 tỷ đồng, chiếm 0,3%; 258.579 hộ gia đình, cá nhân có dư nợ 26.178 tỷ đồng, chiếm 61,2%. Tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm tỷ lệ 0,8% tổng dư nợ cho vay.
Lãi suất huy động bằng VND trên địa bàn tỉnh phổ biến ở mức 0,3-0,5%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn hoặc có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3-5,5%/năm đối với kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,5-6,7%/năm đối với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Lãi suất cho vay bằng VND ở những lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 7%/năm đối với ngắn hạn, 9-9,5%/năm đối với trung, dài hạn; lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác ở mức 8-9,5%/năm đối với ngắn hạn, khoảng 10-11%/năm đối với trung, dài hạn./.
Văn Đại