Ngày 19-7-2017, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp đánh giá mức độ ảnh hưởng của bão số 2 đến sản xuất vụ mùa 2017. Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Dự cuộc họp còn có lãnh đạo các sở, ngành: NN và PTNT, GTVT, Công an tỉnh, Điện lực tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo UBND, Phòng NN và PTNT các huyện, thành phố; lãnh đạo các Cty TNHH một thành viên KTCTTL trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của Sở NN và PTNT, đến hết ngày 16-7-2017, toàn tỉnh đã cấy, sạ được 66.800ha lúa mùa, đạt 44,5% diện tích, trong đó gieo sạ đạt gần 20 nghìn ha (chiếm 26% diện tích). Từ tối ngày 16-7 đến ngày 18-7, do ảnh hưởng của bão số 2 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa lớn, lượng mưa bình quân toàn tỉnh đến 18 giờ ngày 18-7 là 92,1mm, cục bộ một số nơi mưa to, lượng mưa lớn như: Nam Trực 157mm, Vụ Bản 116mm, Giao Thủy 102mm. Do lúa mới cấy và sạ (thấp cây), cùng với thủy triều đầu con nước, lũ trên các sông dâng cao, khó tiêu thoát nước nên đã xảy ra ngập úng trên diện rộng. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các địa phương và các Cty KTCTTL đã tích cực triển khai nhiều biện pháp tiêu úng. Theo báo cáo của các huyện, thành phố, đến 16 giờ 30 phút ngày 18-7 toàn tỉnh chỉ còn 11.158ha lúa mùa bị ngập úng, tập trung tại các huyện: Ý Yên 3.080ha, Nam Trực 1.981ha, Nghĩa Hưng 1.971ha, Giao Thủy 1.668ha, Trực Ninh 1.128ha, Vụ Bản 890ha, Mỹ Lộc 120ha, Xuân Trường 321ha. Các Cty KTCTTL vẫn đang tiếp tục thực hiện các biện pháp tiêu úng cứu lúa. Sở NN và PTNT và UBND các huyện phân công cán bộ tăng cường kiểm tra, đánh giá tình hình ngập úng ở từng địa phương; hướng dẫn nông dân các biện pháp khắc phục; tại các nơi đã tiêu úng được nông dân tiếp tục xuống đồng cấy, dặm lúa hoặc bổ sung những diện tích chịu ảnh hưởng của mưa úng. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, những ngày tới các tỉnh miền Bắc còn tiếp tục xảy ra mưa lớn trên diện rộng. Đặc biệt Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai Trung ương đã lệnh thủy điện Hòa Bình mở 2 cửa xả đáy, tùy theo diễn biến mưa lũ có thể mở thêm các cửa xả đáy, do vậy lũ trên các sông lớn sẽ dâng cao, nhất là ở vùng hạ lưu, ảnh hưởng đến việc tiêu nước của các vùng tiêu bằng trọng lực.
Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị, ngành đã tập trung phân tích mức độ ảnh hưởng của bão số 2 đến sản xuất lúa vụ mùa, đề xuất các biện pháp khắc phục.
Kết luận cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, các địa phương xác định tiêu thoát nước, chống úng cho lúa mùa là nhiệm vụ ưu tiên số một hiện nay. Các Cty KTCTTL phía nam tỉnh tranh thủ tiêu tối đa bằng thủy triều khi còn có thể; kiểm tra và chủ động sẵn sàng các máy bơm điện, bơm dầu để huy động bơm tiêu úng khi cần thiết. Cty KTCTTL Bắc Nam Hà phát huy tối đa công suất máy bơm, chủ động xử lý phòng ngừa ách tắc do rác cuốn vào bể hút trạm bơm. Các Cty KTCTTL vùng trọng lực tranh thủ tối đa thời gian và công suất máy bơm để bơm tiêu; vận hành các trạm bơm nhỏ và các máy bơm dã chiến để bơm chuyển. Điện lực Nam Định ưu tiên tối đa nguồn điện phục vụ bơm tiêu úng cứu lúa. Các huyện, thành phố khẩn trương kiểm tra, đánh giá, phân loại mức độ thiệt hại của từng vùng, từng cánh đồng để có biện pháp chỉ đạo khắc phục và chăm sóc phù hợp. Tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát những diện tích không thể khắc phục được để cân đối lượng mạ dự phòng và ngâm ủ giống bổ sung cho đến 22 đến 23-7 có thể gieo cấy tiếp. Tập trung bảo vệ lượng mạ dự phòng; giữ những diện tích gieo sạ ở những chân ruộng cao. Phấn đấu hoàn thành gieo cấy bổ sung trước ngày 5-8. Các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức đánh giá lại những diện tích nuôi thủy sản, có phương án bảo vệ bờ ao, đầm và các đối tượng nuôi. Sở GTVT, Công an tỉnh phối hợp với các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền, thông tin tới người dân có hoạt động sinh sống, sản xuất 2 bên bờ sông, đặc biệt những vùng hay sạt lở có phương án bảo vệ, tránh dòng lũ cao. Quản lý chặt chẽ và thông tin tới các phương tiện giao thông đường thủy; 102 bến, bãi vượt sông… đảm bảo an toàn về người và phương tiện. Sở NN và PTNT tăng cường kiểm tra hệ thống đê điều, nhất là những đoạn đê, kè sông bị sạt lở để có phương án xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn đê điều và tính mạng người dân. Các huyện tổ chức họp với các xã, thị trấn rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo, điều hành sản xuất./.
Ngọc Ánh