Theo Bộ Y tế, toàn quốc hiện có 206 bệnh viện tư nhân và trên 30 nghìn phòng khám tư nhân.
Bên cạnh những đóng góp tích cực trong hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân, một số cơ sở đã vi phạm các quy định như: Mời bác sĩ người nước ngoài làm việc khi chưa có chứng chỉ hành nghề; hành nghề quá phạm vi chuyên môn cho phép; sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam; quảng cáo quá phạm vi hoạt động chuyên môn cho phép; không công khai giá dịch vụ khám chữa bệnh hoặc có niêm yết giá nhưng thu phí cao hơn giá đã niêm yết; việc lưu đơn thuốc, hồ sơ bệnh án chưa đúng theo quy định của Bộ Y tế…
Để tăng cường công tác quản lý Nhà nước về y tế, cung cấp các dịch vụ có chất lượng tốt, bảo đảm an toàn cho người bệnh, Bộ Y tế yêu cầu các Sở Y tế thực hiện những nội dung sau:
Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về khám chữa bệnh và các quy chế chuyên môn cho các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân trên địa bàn quản lý; tăng cường quản lý, đảm bảo tất cả người hành nghề phải được cấp chứng chỉ hành nghề và hành nghề đúng phạm vi hoạt động chuyên môn cho phép; đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của Sở Y tế danh sách các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân đã được cấp giấy phép hoạt động trên địa bàn, danh sách và phạm vi hoạt động chuyên môn của người hành nghề tại các cơ sở này, để người dân tiện tìm hiểu thông tin trước khi khám chữa bệnh; tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch hoặc đột xuất đối với các cơ sở hành nghề khám chữa bệnh tư nhân, xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật về khám chữa bệnh; thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân có vi phạm pháp luật về y tế, tính chất, mức độ vi phạm, hình thức xử phạt; tăng cường công tác truyền thông để người dân nêu cao cảnh giác khi nghe các quảng cáo quá mức về khả năng khám chữa bệnh của các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân…
Theo SGGP