Khẩn trương các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết

07:07, 26/07/2017

Tính đến hết ngày 24-7-2017, tỉnh ta có 324 ca mắc sốt xuất huyết (SXH) tại 100 xã, phường của cả 10/10 huyện, thành phố, trong đó có 3 ổ dịch tập trung tại Thành phố Nam Định là phường Văn Miếu (hơn 40 ca mắc), phường Cửa Bắc (hơn 30 ca mắc), phường Trần Quang Khải (hơn 20 ca). Trong tổng số 324 ca mắc, hiện có 62 ca đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh SXH, nguy cơ bùng phát dịch SXH tại tỉnh ta với các ổ dịch vừa và nhỏ là rất cao, mặc khác, diễn biến lâm sàng của bệnh nhân mắc SXH đang rất phức tạp, nếu không điều trị kịp thời, đúng phác đồ, có thể dẫn đến tử vong. Thực hiện chỉ đạo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Sở Y tế đã ban hành Công văn 914 ngày 18-7-2017 chỉ đạo các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trên địa bàn tỉnh thực hiện các nội dung: Người bệnh nghi mắc SXH phải được khám bởi bác sĩ được phân công về khám, chữa bệnh truyền nhiễm. Người bệnh SXH có dấu hiệu cảnh báo hoặc SXH nặng phải được chuyển đến khám, điều trị tại Khoa Truyền nhiễm; tăng cường việc theo dõi người bệnh SXH tại các cơ sở khám, chữa bệnh trong các ngày nghỉ, ngày lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời các ca bệnh SXH có diễn biến nặng lên, ghi chép hồ sơ bệnh án đầy đủ, chi tiết; cơ sở khám, chữa bệnh phải quan tâm việc tập huấn, đào tạo, tự đào tạo về SXH cho các nhân viên y tế được phân công khám, điều trị SXH để kịp thời phát hiện, cấp cứu, điều trị, phân tuyến, chuyển viện đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Đối với công tác phòng chống dịch SXH, Sở Y tế chỉ đạo hệ dự phòng các tuyến chú trọng công tác giám sát, phát hiện sớm bệnh nhân để điều trị, cách ly và triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế; giám sát bệnh nhân và muỗi truyền bệnh; vận động các xã, phường tổ chức thường xuyên các chiến dịch vệ sinh môi trường; tập huấn về hướng dẫn giám sát và các biện pháp phòng chống dịch cho 100% cán bộ y tế tuyến huyện, thành phố và xã, phường có bệnh nhân. Riêng tại Thành phố Nam Định đã có 100% cán bộ y tế các xã, phường được tập huấn; tổ chức 4 đợt phun hóa chất tại 600 hộ gia đình thuộc 3 vùng có nguy cơ cao là phường Văn Miếu, phường Trần Quang Khải, phường Cửa Bắc. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố sẵn sàng hóa chất, máy móc và các đội cơ động để tham gia xử lý ổ dịch tại cộng đồng. Tại các phường có ổ dịch SXH, tăng cường giám sát bệnh nhân, giám sát véc-tơ; tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường hằng ngày; phun hóa chất diệt muỗi; tuyên truyền sử dụng các biện pháp phối hợp (nằm màn, thả cá, hóa chất diệt bọ gậy, hương muỗi, bình xịt, mặc áo dài tay…); truyền thông về SXH trực tiếp và gián tiếp.

Để tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch SXH, người dân cần tích cực phối hợp với ngành Y tế để tiêu diệt bọ gậy bằng cách: Thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; lật úp các dụng cụ như xô, chậu; những dụng cụ không sử dụng, không để nước đọng; loại bỏ các vật liệu phế thải; hằng ngày mỗi gia đình dành 15 phút thực hiện các biện pháp diệt bọ gậy; giữ vệ sinh môi trường nơi sinh sống; thay nước 1 tuần/1 lần với các lọ hoa, bể cảnh có nước; tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt phải đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà./.

Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com