Ngày 2-6-2017, UBND tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 25-6-2014 của UBND tỉnh về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Nam Định. Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành: NN và PTNT, KH và ĐT, Tài chính, TN và MT, Xây dựng, GTVT, Công an tỉnh, Thanh tra tỉnh, Đài PT-TH, Báo Nam Định; UBND các huyện, thành phố; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc UBND các huyện, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn có đê, các hạt quản lý đê.
Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị. |
Sau 3 năm thực hiện Chỉ thị số 14/CT-UBND, hầu hết các huyện, thành phố đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các văn bản pháp luật về vi phạm đê điều, công trình thủy lợi; kiểm tra, tổng hợp, phân tích thực trạng vi phạm và vận động nhân dân tự giải tỏa vi phạm; thành lập Ban chỉ đạo xử lý vi phạm công trình thủy lợi, đê điều; xây dựng kế hoạch trước mắt cũng như lâu dài để xử lý, ngăn chặn các vi phạm. Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở NN và PTNT, các địa phương đều không hoàn thành việc thực hiện Chỉ thị số 14. Đến hết tháng 4-2017, các địa phương mới chỉ giải tỏa được 498/5.020 vụ vi phạm pháp luật về đê điều. Trong 3 năm qua, chưa có năm nào các địa phương xử lý số vụ vi phạm đê điều vượt quá 20% kế hoạch giải tỏa đã đề ra. Các địa phương vẫn còn tồn động nhiều vi phạm về đê điều là: Nghĩa Hưng 1.381 vụ, Nam Trực 1.020 vụ, Ý Yên 640 vụ… Thậm chí từ khi có Chỉ thị 14 đến trước tháng 2-2017, các huyện để phát sinh ra 113 vụ vi phạm mới nhưng chỉ giải tỏa được 40 vụ, còn tồn đọng 73 vụ… Trong giải tỏa vi phạm công trình thủy lợi, các địa phương mới giải tỏa được 801/19.826 số vụ vi phạm. Hiện 19.025 vụ vi phạm còn tồn đọng này chủ yếu như: nhà cửa, lều quán, đăng đó, vị trí xả thải và vi phạm khác. Các địa phương còn nhiều vi phạm công trình thủy lợi như: Xuân Trường 10.562 vụ, Giao Thủy 4.938 vụ, Nam Trực 1.217 vụ, Ý Yên 987 vụ… Toàn tỉnh hiện có 639 cơ sở hoạt động trên các bãi sông nhưng có đến 88% cơ sở không có giấy phép theo Luật Đê điều; 88% bến bãi không có giấy phép bến thủy nội địa; 96% cơ sở không được cấp phép xây dựng… Để hoàn thành việc giải tỏa vi phạm đê điều, công trình thủy lợi, quản lý bến bãi kinh doanh vật liệu ven sông, các huyện, thành phố, sở, ngành, các tổ chức, đoàn thể cần làm đúng thẩm quyền, trách nhiệm của mình theo luật và các chỉ đạo cụ thể trong Chỉ thị 14. Các địa phương phải khẩn trương tổ chức sơ kết việc thực hiện Chỉ thị 14 và Kế hoạch số 03/KH-UBND ngày 9-1-2017 của UBND tỉnh. Mở các đợt cao điểm xử lý các vi phạm về đê điều, công trình thủy lợi và các vi phạm trên bãi sông trong hành lang thoát lũ. Các huyện, thành phố rà soát, xử lý các vi phạm đất đai theo Nghị quyết số 17/NQ-TU của BCH Đảng bộ tỉnh về việc tăng cường sự lãnh đạo công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh. Thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra vi phạm về đê điều, công trình thủy lợi và các vi phạm trên bãi sông trong hành lang thoát lũ. Sở NN và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng dự thảo Chỉ thị mới về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi và các vi phạm trên bãi sông trong hành lang thoát lũ thay thế cho Chỉ thị 14, bảo đảm giải quyết tốt tình trạng vi phạm này. Các sở, ngành liên quan hướng dẫn, hỗ trợ các huyện, thành phố trong việc xử lý các vi phạm về đê điều, công trình thủy lợi; các vi phạm đất đai ở các bến bãi, bến sông theo Nghị quyết số 17/NQ-TU.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trong việc xử lý các vi phạm về đê điều, công trình thủy lợi và các vi phạm trên bãi sông. Các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn chủ động báo cáo với thường trực cấp ủy về tình hình vi phạm đê điều, công trình thủy lợi; các vi phạm về đất đai trên địa bàn để chỉ đạo. Tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, khai thác, bảo vệ công trình đê điều, công trình thủy lợi, Luật Đất đai… Thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về đất đai, đê điều, công trình thủy lợi, bến bãi; rà soát, bổ sung các quy hoạch bến bãi; quản lý tốt về quy hoạch, cấp phép. Sở NN và PTNT làm đầu mối tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và ban hành quy chế phối hợp trong việc xử lý các vi phạm, bảo đảm rõ đầu mối xử lý và xác định trách nhiệm khi có vi phạm. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố nếu để xảy ra các vi phạm mới sẽ phải chịu trách nhiệm. Với những trường hợp vi phạm đã xảy ra, các huyện, thành phố cần kiểm tra, phân loại các vi phạm để có kế hoạch, lộ trình xử lý hiệu quả. Các sở, ngành liên quan cần tham mưu cho chính quyền các cấp xây dựng kế hoạch tiếp tục thực hiện việc giải tỏa, xử lý vi phạm đê điều, công trình thủy lợi, quản lý bến bãi kinh doanh vật liệu ven sông./.
Tin, ảnh: Ngọc Ánh