Triển khai nhiệm vụ sản xuất chăn nuôi giai đoạn 2017-2020

08:04, 26/04/2017

Ngày 25-4-2017, Sở NN và PTNT tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ sản xuất chăn nuôi giai đoạn 2017-2020. Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố; lãnh đạo UBND một số xã; đại diện doanh nghiệp, chủ trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Sản xuất chăn nuôi giai đoạn 2011-2016 trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn, bất lợi về giá cả, dịch bệnh, thị trường, thời tiết, khí hậu… song được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự nỗ lực phấn đấu của ngành NN và PTNT, UBND các huyện, thành phố, các doanh nghiệp, các hộ chăn nuôi trong tỉnh nên đã đạt được kết quả khích lệ. Giá trị sản xuất chăn nuôi tiếp tục tăng trưởng khá, năm 2016 đạt trên 6.092 tỷ đồng, tăng 1.319 tỷ đồng so với năm 2011; chiếm 33% giá trị sản xuất toàn ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; chiếm 41,2% giá trị nội ngành Nông nghiệp. Tổng đàn lợn đạt 783.940 con, sản lượng đạt trên 145.210 tấn, giá trị 4.304 tỷ đồng. Đàn gia cầm đạt 7,77 triệu con, sản lượng đạt 19.065 tấn. Đàn trâu, bò 39.072 con, sản lượng 3.807 tấn. Ngoài ra các hộ chăn nuôi còn phát triển thêm một số loại vật nuôi khác như: dê, ngựa, thỏ, lợn rừng. Mặc dù tổng đàn vật nuôi tăng không nhiều nhưng do áp dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn, kỹ thuật nuôi… nên sản lượng thịt tăng qua các năm. Tư duy phát triển chăn nuôi hàng hóa từng bước được nâng cao; hiện toàn tỉnh có 192 trang trại chăn nuôi đạt chuẩn theo Thông tư 27/2011/TT-BNNPTNT. Bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất chăn nuôi của tỉnh vẫn còn những hạn chế, yếu kém như: chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ cao; dịch bệnh chưa được kiểm soát; vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được đảm bảo; cơ sở vật chất phục vụ sản xuất, chăn nuôi còn thiếu và nhiều bất cập; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi chưa tương xứng với tiềm năng, chưa có sự gắn kết giữa nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, người chăn nuôi và khâu tiêu thụ, chế biến sản phẩm… Mục tiêu phát triển sản xuất chăn nuôi của tỉnh trong giai đoạn 2017-2020 là: duy trì tốc độ phát triển chăn nuôi, đối tượng tập trung là lợn và gà theo hướng chăn nuôi trang trại gắn với giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm công nghiệp tập trung. Áp dụng công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường. Nâng cao hiệu quả, khả năng kiểm soát dịch bệnh và môi trường đối với chăn nuôi nông hộ. Đến năm 2020, ngành chăn nuôi cơ bản chuyển sang sản xuất trang trại, công nghiệp, đáp ứng phần lớn nhu cầu thực phẩm đảm bảo chất lượng cho tiêu dùng và xuất khẩu; đưa tỷ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi trong cơ cấu ngành Nông nghiệp đạt trên 45%. Để đạt được mục tiêu trên, ngành Nông nghiệp xác định một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cần tập trung là: công tác quy hoạch; tổ chức sản xuất; kỹ thuật; bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm; công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại và phát triển công nghiệp chế biến; cơ chế chính sách; nhân lực.

Tại hội nghị, đại biểu các ngành, địa phương đã phát biểu, tham luận về tình hình sản xuất, kinh doanh trong chăn nuôi, đặc biệt là các giải pháp tháo gỡ khó khăn, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất theo chuỗi liên kết khi giá sản phẩm chăn nuôi đang giảm sâu.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, trong giai đoạn 2011-2016, tốc độ chăn nuôi tăng trưởng ổn định đã góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, đồng chí Phó Chủ tịch cũng chỉ ra những hạn chế khiến nền chăn nuôi của tỉnh hiện nay phát triển còn thiếu tính bền vững như: chủ yếu là quy mô nhỏ lẻ; lệ thuộc từ thức ăn, con giống, vắc-xin, hóa chất… đến thị trường. Thiếu tính liên kết, mặc dù đã xuất hiện một số mô hình liên kết nhưng tính chặt chẽ, bền vững và quy mô chưa cao. Sản phẩm chăn nuôi chủ yếu là thực phẩm tươi sống, hàm lượng chế biến công nghệ chưa nhiều. Mức độ đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh thấp khi toàn tỉnh mới chỉ có 4 trang trại đạt tiêu chuẩn VietGAHP. Công tác quản lý chất thải chăn nuôi chưa đảm bảo. Để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển chăn nuôi giai đoạn 2017-2020, hướng tới bền vững, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các hộ chăn nuôi, các chủ trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi phải thay đổi chính mình, tổ chức sản xuất bằng tư duy của nhà đầu tư kinh tế. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi cần xác định, tính toán thị trường, nâng cao chất lượng con giống. Doanh nghiệp cung ứng vật tư cần tuân thủ quy định của pháp luật, có sự chia sẻ với người chăn nuôi. Doanh nghiệp chế biến thành lập các chuỗi nguyên liệu đầu vào ổn định, vận hành nhà máy có hiệu quả, thiết lập hệ thống phân phối ổn định, xác định thị trường và có chiến lược sản phẩm. Đối với các cơ quan quản lý, chính quyền các cấp cần tiếp tục điều chỉnh, rà soát quy hoạch ngành, trong đó có chăn nuôi, từ đó tăng cường quản lý thực hiện theo quy hoạch. Quản lý tốt các đại lý thức ăn chăn nuôi, các đại lý cung ứng vật tư sản xuất như: vắc-xin, hóa chất, con giống… và hoạt động giết mổ. Cập nhật thông tin về tình hình thị trường chăn nuôi để người chăn nuôi biết, chủ động kế hoạch sản xuất; hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm…

Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com