Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong tháng 1-2017, Trung Quốc đã ghi nhận 109 trường hợp người bị nhiễm vi-rút cúm gia cầm A/H7N9; thông báo của Tổ chức Thú y thế giới cho biết: trong tháng 1-2017 đã xảy ra nhiều ổ dịch cúm gia cầm độc lực cao như: cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng vi-rút cúm độc lực cao khác (A/H5N2, A/H5N8) chưa có ở Việt Nam nhưng có khả năng xâm nhiễm vào Việt Nam rất cao thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Tỷ lệ giám sát lưu hành vi-rút cúm gia cầm trên gà năm 2016 tại 32 tỉnh, thành phố đối với A/H5N6 là 1,89% và A/H5N1 là 0,94%; trên vịt đối với A/H5N6 là 6,70% và A/H5N1 là 1,63%. Tỷ lệ phát hiện vi-rút cúm trong các mẫu môi trường đối với A/H5N6 là 2,97% và A/H5N1 là 2,07%, đây chính là nguồn bệnh vi-rút cúm có khả năng phát sinh, lây lan trong thời gian tới ở các địa phương trong cả nước.
Tại tỉnh ta từ đầu năm 2017 đến ngày 24-2-2017 dịch cúm A/H5N1 phát sinh tại 8 hộ chăn nuôi, ở 7 thôn xóm, 3 xã, 2 huyện Vụ Bản và Trực Ninh tổng số gia cầm tiêu hủy là 9.170 con. Hiện vẫn còn 1 ổ dịch chưa qua 21 ngày.
Để chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm A/H5N1, ngăn chặn vi-rút cúm A/H7N9 và các chủng vi-rút cúm gia cầm khác, hạn chế các loại bệnh khác trên đàn vật nuôi, bảo vệ sản xuất và sức khỏe người dân trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố từ ngày 5-3 đến ngày 5-4-2017 triển khai thực hiện đồng bộ toàn diện: “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đợt 1 năm 2017”. UBND tỉnh yêu cầu Sở NN và PTNT hướng dẫn thực hiện các biện pháp vệ sinh, tiêu độc khử trùng, quản lý vận chuyển giết mổ gia súc, gia cầm, thức ăn chăn nuôi. Phân công cán bộ tăng cường xuống cơ sở hướng dẫn, giám sát quy trình kỹ thuật tiêu độc khử trùng, bảo đảm hiệu quả, an toàn cho người, động vật; cập nhật, tổng hợp kết quả báo cáo UBND tỉnh. UBND các huyện, thành phố đôn đốc chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn (cấp xã) thực hiện tốt “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đợt 1 năm 2017”; tuyên truyền, vận động để nhân dân và các hộ chăn nuôi hiểu, tự giác thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng theo hướng dẫn của Sở NN và PTNT. Yêu cầu các xã tổ chức các đội phun thuốc sát trùng cho khu vực chăn nuôi hộ gia đình, chợ buôn bán động vật sống, nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm…; việc phun khử trùng chỉ được thực hiện sau khi đã được vệ sinh cơ giới như quét dọn, cọ, rửa sạch… Sử dụng số lượng hóa chất sát trùng của tỉnh hỗ trợ và nguồn dự trữ của huyện, thành phố để cấp cho các xã; ngoài lượng hóa chất do Nhà nước hỗ trợ, các địa phương tuyên truyền, vận động các chủ cơ sở chăn nuôi, ấp nở gia cầm và chủ cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm chủ động mua vôi bột, thuốc sát trùng để thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng. Vào chiều thứ 4 hằng tuần UBND các huyện, thành phố phải báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh./.
Thanh Hoa