Ngày 15-3-2017, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 25/KH-UBND về thực hiện Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em tỉnh Nam Định, giai đoạn 2017-2020.
Mục tiêu của kế hoạch là thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức có liên quan, người sử dụng lao động, cộng đồng, cha mẹ và trẻ em về lao động trẻ em; đảm bảo trẻ em có nguy cơ, trẻ em lao động trái quy định pháp luật được phát hiện, can thiệp, hỗ trợ kịp thời để hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển. 100% trẻ em lao động trái quy định pháp luật khi có thông báo, phát hiện được hỗ trợ, can thiệp kịp thời. Đối tượng trong chương trình là trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ (trẻ em bỏ học, trẻ em sống trong gia đình nghèo...) và trẻ em lao động trái quy định pháp luật; cha mẹ, người chăm sóc trẻ, người sử dụng lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, làng nghề truyền thống trong phạm vi toàn tỉnh. Để triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch, UBND tỉnh chỉ đạo Sở LĐ-TB và XH chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan và UBND các huyện, thành phố hướng dẫn rà soát, nắm bắt tình hình trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái quy định pháp luật trên địa bàn tỉnh. Xây dựng mô hình điểm phòng ngừa, trợ giúp trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái quy định pháp luật tại một số địa phương. Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em trên địa bàn tỉnh. Nâng cao năng lực công tác xã hội cho đội ngũ công chức, viên chức thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em các cấp. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất việc chấp hành pháp luật về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng trẻ em lao động trái quy định pháp luật; xử phạt vi phạm hành chính đối với cha mẹ, người chăm sóc trẻ trong việc bắt, ép trẻ em phải tham gia lao động sớm, hạn chế hoặc không cho trẻ em thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em.
Các giải pháp để thực hiện chương trình gồm: Tổ chức thực hiện có hiệu quả pháp luật, chính sách về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. Tăng cường phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan và UBND các huyện, thành phố trong việc phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; Lồng ghép việc thực hiện nội dung của Chương trình trong hoạt động của hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em. Triển khai hiệu quả chính sách trợ giúp xã hội, giảm nghèo, vay vốn, hỗ trợ sinh kế; cải thiện điều kiện, môi trường làm việc an toàn, phù hợp tại các làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất, kinh doanh; giáo dục nghề nghiệp và giới thiệu việc làm nhằm hỗ trợ trẻ em và gia đình cải thiện cuộc sống. Tăng cường hoạt động truyền thông, giáo dục về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. Vận động các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và cá nhân tham gia phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em nhằm bảo đảm thực hiện các quy định pháp luật về lao động trẻ em./.
Minh Tân