Trong những năm qua, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban ATGT quốc gia, UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo về tăng cường bảo đảm trật tự ATGT tại các đường ngang, lối đi dân sinh qua đường sắt. Tuy nhiên, tình hình trật tự ATGT đường sắt vẫn diễn biến phức tạp. Năm 2016, trên địa bàn tỉnh xảy ra 12 vụ TNGT đường sắt, làm chết 10 người, bị thương 7 người. Dịp Tết Nguyên đán Đinh Đậu và lễ hội Xuân đầu năm 2017 trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 vụ TNGT đường sắt, làm 3 người chết, 3 người bị thương. Điển hình là vụ TNGT đường sắt xảy ra ngày 4-2-2017 tại Km98+812 địa phận xã Liên Minh (Vụ Bản), tàu TN1 va vào ô tô khách 16 chỗ ngồi, biển kiểm soát 21B-005.92 chở 13 người, hậu quả làm chết 1 người, bị thương 2 người, ô tô hư hỏng nặng và làm bế tắc chính tuyến đường sắt trong thời gian gần 1 giờ.
Nguyên nhân của TNGT đường sắt có nguồn gốc trực tiếp từ hành vi vi phạm quy định pháp luật của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ qua đường ngang, lối đi dân sinh cắt qua đường sắt. Đồng thời cũng cần xác định trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp có đường sắt đi qua và sự phối hợp giữa các đơn vị quản lý ngành đường sắt với địa phương.
Để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế nêu trên và nâng cao hiệu quả những giải pháp bảo đảm trật tự ATGT, giảm TNGT tại các đường ngang, đường dân sinh qua đường sắt; thực hiện Công điện 03/CĐ-UBATGTQG của Ủy Ban ATGT quốc gia về các giải pháp cấp bách kéo giảm TNGT tại đường ngang qua đường sắt, ngày 24-2-2017, Ban ATGT tỉnh ban hành Văn bản số 329/BATGT-VP chỉ đạo các thành viên Ban ATGT tỉnh, Ban ATGT các huyện, thành phố tập trung thực hiện một số giải pháp cấp bách sau: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT đường bộ, đường sắt để người dân tự giác chấp hành, đảm bảo an toàn tính mạng và phương tiện cho người đi qua đường ngang, lối đi dân sinh qua đường sắt. Các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền các cấp thực hiện đúng trách nhiệm theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt. Tăng cường thực hiện cảnh giới đảm bảo ATGT tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt; duy trì hoạt động của các điểm chốt gác do địa phương, doanh nghiệp đang thực hiện; phối hợp, rà soát, thống kê các điểm giao cắt có nguy cơ xảy ra TNGT cao, chủ động có biện pháp hiệu quả hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải pháp bảo đảm trật tự ATGT. Đề nghị Chi nhánh khai thác đường sắt Hà Thanh cung cấp lịch trình chạy tàu để địa phương chủ động tổ chức cảnh giới đảm bảo ATGT. Ban ATGT các huyện, thành phố có đường sắt đi qua tham mưu UBND huyện, thành phố chỉ đạo tuyệt đối không để phát sinh thêm đường ngang dân sinh, không cấp đất dọc đường sắt khi chưa có đường gom, hàng rào cách ly; gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc đảm bảo trật tự ATGT tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt. Huy động các nguồn lực xây dựng NTM, cải tạo, nâng cấp đường gom dọc theo đường sắt, đưa việc xây dựng đường gom vào chương trình xây dựng giao thông nông thôn./.
Thanh Thuý