Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm năm 2017

08:03, 17/03/2017

Ngày 15-3-2017, UBND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm năm 2017. Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các thành viên BCĐ phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh; lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh và các huyện, thành phố; Chủ tịch UBND các xã xảy ra dịch cúm gia cầm A/H5N1 vừa qua.

Từ đầu năm 2017 đến nay, tại tỉnh ta, dịch cúm gia cầm A/H5N1 xảy ra ở 11 hộ chăn nuôi thuộc 5 xã của 3 huyện là Vụ Bản, Trực Ninh và Ý Yên với tổng số gia cầm phải tiêu hủy là 10.480 con; trong đó 9.604 con vịt, 364 con gà, 502 con ngan và 10 con chim bồ câu. Hai xã xảy ra dịch mới nhất là Yên Lương (Ý Yên) vào ngày 2-3 và Tam Thanh (Vụ Bản) ngày 6-3; đây là 2 xã giáp ranh với nhau. Ngoài ra, tại xã Xuân Kiên (Xuân Trường) và xã Mỹ Thuận (Mỹ Lộc) cũng đã xuất hiện gia cầm ốm, chết. Công tác phòng, chống dịch bệnh đã và đang được triển khai tích cực. Lãnh đạo UBND tỉnh, Cơ quan Thú y vùng I, Sở NN và PTNT, UBND các huyện, các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện đã trực tiếp xuống chỉ đạo các địa phương có dịch thực hiện các biện pháp bao vây, chống dịch. Việc tiêu hủy gia cầm mắc bệnh được thực hiện đúng quy định, không để phát tán mầm bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường. Công tác tuyên truyền về dịch cúm gia cầm và biện pháp phòng chống đã được đẩy mạnh, đáp ứng yêu cầu. Các ngành Công an, Công thương, Nông nghiệp đã tăng cường kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật lưu thông trên thị trường, nhất là gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Công tác tiêm phòng vắc-xin cho gia súc, gia cầm vụ xuân; tiêm vắc-xin cúm chống dịch và công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đang được các địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên do điều kiện thời tiết bất lợi, mưa phùn, độ ẩm cao nên tiến độ tiêm chậm; việc tổ chức thực hiện Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng gặp nhiều khó khăn.

Hiện tại, dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được khống chế, các dịch bệnh nguy hiểm ở gia súc và động vật thủy sản được đảm bảo an toàn. Tuy nhiên thời tiết diễn biến phức tạp làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi, đồng thời là điều kiện để mầm bệnh phát triển. Đây cũng là thời điểm người nuôi tập trung nhập con giống tái đàn nên nguy cơ dịch bệnh phát sinh, lây lan trên các đối tượng nuôi là rất cao, đáng chú ý đã xuất hiện cúm A/H5N1 ở chim bồ câu nên công tác kiểm soát dịch sẽ phức tạp khó khăn hơn. Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm ở động vật phát sinh, lây lan, Sở NN và PTNT đề nghị các địa phương kiện toàn, tăng cường trách nhiệm của BCĐ phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp; phân công thành viên BCĐ xuống địa bàn để chỉ đạo, kiểm tra và đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là công tác tiêm phòng. Rà soát quy hoạch phát triển chăn nuôi để điều chỉnh cho phù hợp; tạo điều kiện để chuyển các trang trại, gia trại chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư ra vùng quy hoạch; khuyến khích, tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về chăn nuôi thú y tới cộng đồng. Thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN và PTNT, UBND tỉnh về phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn giao trách nhiệm cho trưởng thôn, xóm phối hợp với lực lượng thú y giám sát chặt chẽ dịch bệnh tới tận cơ sở; khi phát hiện dịch bệnh phải báo ngay cho UBND xã và cơ quan thú y để có biện pháp xử lý kịp thời. Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt đợt tiêm phòng vắc-xin vụ xuân cho đàn gia súc, gia cầm; khẩn trương hoàn thành tiêm phòng vắc-xin bao vây chống dịch cúm gia cầm. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra, kiểm soát các phương tiện vận chuyển, cơ sở kinh doanh động vật, sản phẩm động vật; kiểm tra phát hiện việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Triển khai thực hiện có hiệu quả Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng theo chỉ đạo của tỉnh và hướng dẫn của ngành Nông nghiệp. Hướng dẫn các hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản thực hiện chăn nuôi an toàn dịch bệnh sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Hội nghị cũng được nghe tham luận của đại biểu các ngành, các địa phương có dịch về công tác phòng, chống dịch bệnh, kiến nghị các vấn đề vướng mắc cần tháo gỡ để nâng cao hiệu quả phòng chống dịch.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh nhấn mạnh, mặc dù đến nay dịch đã cơ bản được khống chế, không lây lan ra các địa phương khác song số lượng gia cầm phải tiêu hủy từ đầu năm đến nay gấp hơn 2 lần tổng số gia cầm phải tiêu hủy trong 3 năm qua và hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn 3 xã có dịch chưa qua 21 ngày. Đây cũng là nỗ lực lớn của các sở, ngành và các địa phương trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan và các địa phương trong thời gian tới tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm được UBND tỉnh giao. Bên cạnh dịch cúm gia cầm cần chú ý phòng các dịch bệnh khác trên đàn gia súc như lở mồm long móng, lợn tai xanh… vì thời gian tới là thời điểm thường phát sinh các dịch bệnh này. Tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức cho người chăn nuôi về lợi ích của việc phòng, chống dịch bệnh đối với sản xuất chăn nuôi; tuyên truyền về các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh gắn với an toàn thực phẩm chất lượng cao. Chủ tịch UBND các huyện, xã cần phát huy hết trách nhiệm, thẩm quyền theo luật trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt trong công tác phòng, chống dịch bệnh và phát triển chăn nuôi. Tập trung vào 2 nhiệm vụ trọng tâm của toàn tỉnh trong thời gian này là thực hiện Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng và tiêm phòng vắc-xin vụ xuân. Các huyện căn cứ vào kế hoạch của tỉnh, của địa phương, rà soát, kịp thời chấn chỉnh các xã chậm tiến độ. Đối với các ổ dịch chưa qua 21 ngày, huyện, xã cần tập trung cao độ, tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm, không để phát sinh thêm ổ dịch mới, sớm công bố hết dịch. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý tất cả các huyện trong năm 2017 nên có kế hoạch phát động toàn dân làm vệ sinh môi trường nông thôn để loại trừ mầm bệnh trong môi trường. Ngành Y tế tăng cường giám sát sức khỏe của nhân dân, đặc biệt là trong vùng có dịch./.

Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com