Họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật của tỉnh

08:03, 01/03/2017

Ngày 28-2-2017, Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch bệnh động vật của tỉnh tổ chức cuộc họp tổng kết công tác phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2016 và triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm. Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ phòng, chống dịch bệnh động vật của tỉnh chủ trì cuộc họp. Dự cuộc họp có các thành viên BCĐ phòng, chống dịch bệnh động vật của tỉnh; lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh.

Năm 2016, UBND tỉnh, BCĐ phòng, chống dịch bệnh động vật của tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch, cấp kinh phí mua vắc-xin, hóa chất hỗ trợ các địa phương phòng, chống dịch. Các ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền, BCĐ phòng, chống dịch bệnh các huyện, thành phố đã tập trung triển khai tích cực các biện pháp phòng, chống dịch gia súc, gia cầm. Người chăn nuôi đã có ý thức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Nhìn chung các loại dịch bệnh nguy hiểm ở động vật trên địa bàn tỉnh cơ bản được khống chế, đảm bảo an toàn. Toàn tỉnh chỉ để xảy ra 1 ổ dịch lở mồm long móng tại xã Yên Quang (Ý Yên) và 1 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại xã Giao Tiến (Giao Thủy). Ngay khi phát hiện dịch bệnh, Sở NN và PTNT phối hợp với các huyện, sở, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp bao vây, khống chế dịch. Nhờ vậy các ổ dịch nhanh chóng được dập tắt, không lây lan ra diện rộng, giảm thấp thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi.

Công tác thông tin tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh động vật được tăng cường. Công tác tiêm phòng được tổ chức tốt, đạt kết quả cao. Công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật cơ bản được thực hiện đúng quy định của pháp luật, hạn chế dịch bệnh lây lan từ tỉnh ngoài vào. Trong 2 đợt “tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm”, tỉnh đã cấp gần 18 nghìn lít hóa chất khử trùng cho các địa phương; các xã, thị trấn, cơ sở chăn nuôi mua 105,7 tấn vôi bột để thực hiện khử trùng… đã hạn chế dịch bệnh phát sinh.

Từ đầu năm 2017 đến nay, dịch cúm gia cầm A/H5N1 xảy ra ở 8 hộ chăn nuôi của 3 xã thuộc huyện Vụ Bản và Trực Ninh, tổng số gia cầm phải tiêu hủy là 9.170 con. Trong đó, ngày 24-2-2017, dịch tiếp tục phát sinh tại hộ ông Đặng Văn Diệp ở xóm 11, xã Trực Thuận (Trực Ninh). Còn lại ở xã Minh Tân (Vụ Bản) và Trực Nội (Trực Ninh) đến nay đã qua 21 ngày trên địa bàn xã không phát sinh thêm các trường hợp gia cầm ốm, chết do cúm. Để phòng, chống tốt dịch cúm gia cầm, BCĐ đã triển khai các biện pháp cấp bách: kiện toàn BCĐ phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp; đẩy mạnh tuyên truyền tính chất nguy hiểm, tác hại của dịch cúm gia cầm, các biện pháp phòng, chống dịch; tăng cường công tác kiểm địch động vật, sản phẩm động vật lưu thông trên thị trường; giám sát dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi… trong đó, tập trung tổ chức tiêm 1,5 triệu liều vắc-xin cúm gia cầm do Trung ương hỗ trợ cho đàn gia cầm của các xã có dịch, các xã uy hiếp, nơi có ổ dịch cũ và khu vực nguy cơ cao. Phát động đợt vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trên địa bàn toàn tỉnh từ ngày 5-3 đến 5-4-2017.

Qua nghe báo cáo và các ý kiến phát biểu của các ngành thành viên BCĐ, phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ phòng, chống dịch bệnh động vật của tỉnh nhấn mạnh, so với 2-3 năm trở lại đây, tình hình dịch cúm gia cầm có biểu hiện phức tạp hơn. Mặc dù vậy, dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh vẫn được kiểm soát. Nguyên nhân dịch xảy ra là do mầm bệnh tồn tại sẵn trong cơ thể gia cầm và trong môi trường nuôi, khi gặp điều kiện môi trường thuận lợi đã phát triển, gây bệnh. Thời tiết thay đổi làm giảm sức đề kháng của vật nuôi là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh. Dịch bệnh xảy ra chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thiếu kiến thức, nuôi tận dụng, có tâm lý chủ quan trong công tác phòng, chống dịch. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhận định trong thời gian tới, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nói chung, dịch cúm gia cầm nói riêng sẽ diễn biến phức tạp hơn. Trước tình hình đó, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Về giải pháp trước mắt, BCĐ phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp tăng cường công tác chỉ đạo, đưa hoạt động của BCĐ vào nền nếp. Các cơ quan thông tin, truyền thông phối hợp với các sở, ngành liên quan tập trung tuyên truyền các nội dung: nâng cao nhận thức của người chăn nuôi trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; nâng cao trách nhiệm của chính quyền cơ sở, các cơ quan chuyên môn trong công tác phòng, chống dịch bệnh; tuyên truyền về các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh gắn với quản lý chất lượng nông sản theo chuỗi; vai trò, lợi ích của việc phòng, chống dịch bệnh đối với sản xuất chăn nuôi; các giải pháp, biện pháp phòng ngừa dịch bệnh trên đàn vật nuôi và lây lan sang người. Biện pháp lâu dài cần tuyên truyền Luật Thú y, Luật An toàn thực phẩm, các quy định, biện pháp phòng, chống dịch, cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước… Các sở, ngành liên quan phối hợp với các địa phương tập trung vào công tác phòng dịch, tăng cường giám sát dịch bệnh; thực hiện tốt công tác tiêm phòng; tổ chức tiêu độc, khử trùng trên phạm vi toàn tỉnh. Trong công tác chống dịch: sớm phát hiện các ổ dịch, khi phát hiện có dịch tổ chức bao vây, khống chế, dập dịch bằng biện pháp chuyên môn, không để dịch lây lan; riêng với dịch cúm gia cầm cần giám sát theo dõi sức khỏe của người dân ở vùng dịch, đặc biệt là những người chăn nuôi, những người trực tiếp tiếp xúc với đàn gia cầm. Giao cho ngành Nông nghiệp chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức hội nghị triển khai các giải pháp phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, an toàn dịch bệnh, quản lý theo chuỗi. Phương hướng tập trung phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại, giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ. Các thành viên trong BCĐ của tỉnh bám theo nhiệm vụ được phân công cụ thể từ đó nắm chắc nhiệm vụ, thường xuyên theo dõi tình hình, diễn biến chăn nuôi và các loại dịch bệnh; thường xuyên phối hợp để triển khai nhiệm vụ. Sở NN và PTNT bám sát các chỉ đạo của Trung ương và tình hình dịch bệnh của tỉnh để có sự tham mưu kịp thời. Hệ thống thú y từ tỉnh đến cơ sở cần thực hiện tốt Tháng cao điểm phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm từ ngày 5-3 đến 5-4-2017./.

Ngọc Ánh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com