Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh

06:03, 29/03/2017

Ngày 28-3-2017, Ðoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh” trên địa bàn tỉnh tại Sở NN và PTNT, Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh. Tham gia Ðoàn giám sát có các đồng chí: Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội; Trương Anh Tuấn, TUV, Phó trưởng đoàn Ðoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.

Tỉnh ta có chiều dài 72km bờ biển, thực hiện Chiến lược Biển Việt Nam và Chiến lược Phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, những năm qua, Tỉnh ủy, HÐND, UBND tỉnh đã quan tâm triển khai đồng bộ các chính sách pháp luật về khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh. Qua đó đã nâng cao đời sống, thu nhập của người dân, làm thay đổi diện mạo hạ tầng nông thôn các huyện ven biển; đồng thời, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân trên biển và các địa bàn ven biển ngày càng vững chắc. Các cơ sở kinh tế, KCN ven biển đã được đầu tư; hoạt động khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản phát triển mạnh mẽ, nhiều tàu thuyền công suất lớn được đóng mới, các dịch vụ bảo đảm đang được hình thành; vận tải biển, dịch vụ hàng hải, du lịch, nuôi trồng thủy sản và đánh bắt hải sản xa bờ đang phát triển. Toàn tỉnh có 2.051 phương tiện nghề cá với tổng số lao động khai thác thủy sản trên 12 nghìn người. Diện tích nuôi trồng thủy sản là 15.848ha, trong đó nuôi mặn lợ là 6.348ha, nuôi nước ngọt là 9.500ha; trên 40 vùng nuôi tập trung và trên 137 cơ sở sản xuất giống thủy, hải sản các loại. Sản lượng khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản toàn tỉnh hằng năm đạt khoảng trên 44.600 tấn. Các chính sách khuyến khích, động viên ngư dân đẩy mạnh hoạt động sản xuất trên các vùng biển xa bờ theo Ðề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030 tiếp tục được phát huy, tạo việc làm, tăng thu nhập cho ngư dân, từng bước giảm cường lực khai thác ven bờ, đẩy mạnh công tác bảo vệ bền vững nguồn lợi thủy sản, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá khi hoạt động trên biển, kết hợp kinh tế với an ninh, quốc phòng. Bên cạnh đó, tỉnh đang quan tâm đầu tư xây dựng các công trình ven biển, hệ thống kè đê biển đã được kiên cố hóa, các dịch vụ du lịch biển được mở rộng góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường củng cố thế trận quốc phòng - an ninh vùng ven biển. Chỉ đạo BÐBP tỉnh phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Công an, Quân sự, Sở NN và PTNT, Sở GTVT, chính quyền địa phương tiến hành rà soát, phân loại, đăng ký và quản lý chặt chẽ người, phương tiện hoạt động ở khu vực biên giới biển; chủ trì, phối hợp với các lực lượng, sở, ngành, địa phương tổ chức thực hiện Ðề án “Tăng cường quản lý, bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự cho phát triển kinh tế - xã hội trên khu vực biên giới biển của tỉnh Nam Ðịnh giai đoạn 2015-2019”; thẩm định đóng mới 29 tàu vỏ thép theo Nghị định 67/2014/NÐ-CP cho ngư dân… Tổ chức tuần tra, kiểm soát, làm nhiệm vụ đột xuất trên biển. Từ năm 2011 đến nay, BÐBP tỉnh đã phát hiện và xua đuổi 115 lượt tàu cá nước ngoài xâm phạm chủ quyền, đánh bắt trộm hải sản, đánh bắt vùng đánh cá chung thiếu thủ tục giấy tờ; bắt và xử lý 68 vụ/99 phương tiện sử dụng xung điện khai thác hải sản trái phép; 28 vụ/54 phương tiện khai thác cát trái phép…

Tuy nhiên việc thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Công tác tuyên truyền các chính sách của Ðảng và pháp luật Nhà nước cho các cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản ở một số sở, ngành, địa phương chưa được thực hiện thường xuyên. Ðội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước về biển còn thiếu, lúng túng trong hoạt động. Khả năng, nguồn vốn đầu tư, trang thiết bị chuyên dụng cũng như trình độ khoa học, kỹ thuật để vươn ra khai thác tài nguyên, hải sản, làm chủ vùng biển xa của ngư dân ta còn nhiều hạn chế. Tàu thuyền ngư dân tham gia khai thác hải sản phần lớn công suất nhỏ (dưới 20CV chiếm 60,6%), nhiều phương tiện cũ nát xuống cấp, thiếu trang bị thông tin, áo pháo, phao cứu sinh, chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, tàu thuyền không đăng ký, không sang tên đổi chủ… vẫn lén lút ra khơi. Trang bị, phương tiện của các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển, nhất là lực lượng BÐBP chưa đồng bộ, xuống cấp, ảnh hưởng đến chất lượng hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh, trật tự khu vực biên giới biển.

Ðể tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, thời gian tới, Sở NN và PTNT, BÐBP tỉnh đề nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm hoàn thiện hệ thống pháp luật về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trên biển, thủy sản, tạo hành lang pháp lý đầy đủ để các lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự, tài nguyên lợi ích quốc gia trên biển, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Ðề nghị Chính phủ, Bộ NN và PTNT chỉ đạo xây dựng Ðề án nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ biên giới đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Ðưa nội dung Luật Biên giới quốc gia, Luật Biển Việt Nam vào chương trình giáo dục quốc phòng, an ninh ở các bậc học. Tăng cường vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã, thị trấn ven biển, bổ sung các chính sách khuyến khích ngư dân vươn ra khai thác trên vùng biển xa, sản xuất dài ngày trên biển kết hợp quản lý, bảo vệ chủ quyền, tài nguyên và lợi ích quốc gia trên biển, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn trên biển. Quan tâm đầu tư xây dựng các công trình bến neo đậu, bến cập tàu, cầu kiểm soát trên các cửa sông trên khu vực biên giới biển; xây dựng tuyến đường ven biển và các khu kinh tế ven biển trong đó có khu kinh tế Ninh Cơ của tỉnh, tạo điều kiện phát triển kinh tế miền Duyên hải nói chung và tỉnh Nam Ðịnh nói riêng; bố trí kinh phí xây dựng Cảng cá kết hợp khu neo đậu tránh trú bão Quần Vinh (Nghĩa Hưng). Tăng cường đầu tư trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, kinh phí cho các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển, đặc biệt là đối với BÐBP cần được trang bị phương tiện tàu, xuồng công suất lớn, có khả năng chịu sóng gió từ cấp 5 trở lên, hoạt động dài ngày trên biển…

Tại các buổi giám sát, Ðoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị các đơn vị làm rõ thêm những nội dung như: Những bất cập từ các chính sách pháp luật hiện hành đối với hoạt động khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tình hình triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NÐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Công tác xây dựng lực lượng dân quân tự vệ biển; vai trò của các cấp ủy Ðảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể các địa phương ven biển trong công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của ngư dân về phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng. Công tác phối hợp liên ngành, địa phương trong công tác quản lý hoạt động thủy sản, nhất là khắc phục sự cố sau thiên tai, bảo đảm cho người dân khôi phục, duy trì sản xuất và đời sống. Công tác bảo vệ môi trường tại những vùng nuôi trồng thủy sản và quyền khai thác, sử dụng đối với vùng đất ngập mặn trên địa bàn tỉnh…

Ðoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiếp thu những kiến nghị, đề xuất của các các cơ quan để tổng hợp, phản ánh lên các cơ quan có thẩm quyền và tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV./.

Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com