Ngày 7-3-2017, đoàn công tác của Cục Đường sắt Việt Nam đã về làm việc với UBND tỉnh về công tác bảo đảm trật tự ATGT đường sắt trên địa bàn tỉnh, xác định giải pháp cấp bách để khắc phục tình trạng mất ATGT đường sắt. Đồng chí Ngô Gia Tự, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc. Cùng dự có Ban ATGT tỉnh, Chủ tịch UBND, Ban ATGT các huyện, thành phố có tuyến đường sắt đi qua và lãnh đạo Cty CP Đường sắt Hà Ninh.
Tuyến đường sắt Bắc Nam trên địa bàn tỉnh ta dài 41,15km qua 3 huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên và Thành phố Nam Định, hầu hết chạy song song với Quốc lộ 10, Quốc lộ 21 qua nhiều khu dân cư, lượng người và phương tiện lưu thông lớn dẫn đến nguy cơ mất ATGT cao. Hiện có 44 đường ngang hợp pháp và 258 đường dân sinh, lối đi trái phép qua đường sắt. Trong những năm qua, UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường bảo đảm trật tự ATGT tại các đường ngang, lối đi dân sinh qua đường sắt. Sở GTVT, đơn vị quản lý đường bộ, Cty CP Đường sắt Hà Ninh phối hợp thực hiện kiểm tra, rà soát, cắm bổ sung biển báo hiệu đường bộ tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt. Các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương các cấp có đường sắt đi qua cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT, cảnh báo các tình huống gây tai nạn, các hiểm họa trên tuyến đường sắt… cho nhân dân; tổ chức cho các hộ dân hai bên đường sắt ký cam kết thực hiện các quy định về trật tự ATGT, không tự ý mở đường ngang, không lấn chiếm hành lang đường sắt. Cty CP Đường sắt Hà Ninh đã chủ động phối hợp với các đơn vị cấp trên và các cấp chính quyền địa phương kiểm tra hệ thống đường ngang dân sinh, kịp thời phát hiện, bổ sung biển báo, kẻ vạch dừng và tổ chức cảnh giới tại những địa điểm có nguy cơ cao xảy ra TNGT. Tổng Cty Đường sắt Việt Nam đã đầu tư nâng cấp 1 đường ngang phòng vệ bằng thiết bị cảnh báo tự động lên đường ngang có gác; sửa chữa, cải tạo 2 đường ngang cảnh báo tự động; 8 đường ngang phòng vệ bằng thiết bị cảnh báo tự động được lắp đặt cần chắn tự động... Để hạn chế, ngăn chặn TNGT đường sắt, tỉnh xác định giải pháp trước mắt cũng như lâu dài là phải đóng được các đường dân sinh, lối đi trái phép. Tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 70/KH-UBND ngày 17-11-2014 phân định chi tiết trách nhiệm, xây dựng lộ trình thời gian thực hiện cụ thể. Theo đó, chính quyền địa phương các cấp có đường sắt đi qua đã quán triệt và cùng với ngành đường sắt tổ chức cho nhân dân ký cam kết thống nhất phương án xóa bỏ lối đi dân sinh trái phép, Cty CP Đường sắt Hà Ninh đã xây dựng phương án, lập dự toán chi tiết thực hiện thu hẹp, đóng các đường dân sinh trái phép, cắm biển "Chú ý tàu hỏa"... Tuy nhiên do ngành đường sắt khó khăn về kinh phí để triển khai thực hiện nên không đáp ứng được lộ trình đề ra. Tỉnh đã bố trí kinh phí đóng 5 đường dân sinh trái phép qua đường sắt, lắp đặt biển báo "Chú ý tàu hỏa" tại 34 đường dân sinh và hạ thấp độ cao tại hai đầu lên xuống của 19 đường ngang hợp pháp và 3 đường ngang dân sinh che khuất tầm nhìn... Đoàn công tác đã đi kiểm tra thực địa công tác bảo đảm trật tự ATGT đường sắt tại các huyện, thành phố và khẳng định Nam Định là một trong những địa phương rất quyết liệt trong chỉ đạo, triển khai đồng bộ công tác bảo đảm trật tự ATGT đường sắt. Tuy nhiên, tình hình trật tự ATGT đường sắt vẫn diễn biến phức tạp. Năm 2016, trên địa bàn tỉnh xảy ra 12 vụ TNGT đường sắt, làm chết 10 người, bị thương 7 người. Dịp Tết Nguyên đán Đinh Đậu và lễ hội Xuân đầu năm 2017 trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 vụ TNGT đường sắt, làm 3 người chết, 3 người bị thương.
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh và các địa phương có tuyến đường sắt đi qua đã đưa ra các kiến nghị nhằm khắc phục các điểm bất cập trong hệ thống hạ tầng đường sắt; yêu cầu đơn vị quản lý đường sắt phải nêu cao trách nhiệm, khi phát hiện vi phạm trong bảo đảm hành lang ATGT đơn vị quản lý đường sắt phải ngay lập tức phối hợp với các địa phương để xử lý vi phạm. Đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng Cty Đường sắt Việt Nam báo cáo Bộ GTVT sớm triển khai thực hiện Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt theo Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19-6-2014 của Thủ tướng Chính phủ; bố trí kinh phí theo đề nghị của Cty CP Đường sắt Hà Ninh, tạo điều kiện cho cơ quan quản lý đường sắt và địa phương thực hiện Kế hoạch 70/KH-UBND ngày 17-11-2014 của UBND tỉnh theo lộ trình... Đại diện Cục Đường sắt Việt Nam cam kết sẽ kiến nghị những vấn đề thực trạng và đề xuất của tỉnh Nam Định với Bộ GTVT, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Để bảo đảm ATGT đường sắt về lâu dài trên địa bàn tỉnh cần áp dụng giải pháp làm gờ giảm tốc tại đầu đường ngang để người tham gia giao thông chú ý quan sát khi đi qua đường sắt; thu hẹp các lối đi dân sinh lớn hơn 3m và rào kín hàng rào hộ lan tại một số vị trí đã có đường gom và lối đi khác; lắp đặt hệ thống cảnh báo tự động và biển báo tại một số vị trí tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra TNGT đường sắt. Đặc biệt, chính quyền địa phương cần có biện pháp quyết liệt hơn trong bảo đảm hành lang ATGT đường sắt; tăng cường công tác tuyên truyền. Đề nghị tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành, các địa phương thực hiện quy chế phối hợp với ngành đường sắt, chú ý phát quang tầm nhìn, tăng cường cảnh giới, bảo đảm êm thuận cho các lối đi dân sinh qua đường sắt, thực hiện đúng các quy định pháp luật liên quan đến bảo đảm ATGT đường sắt khi cấp đất ven đường sắt, cấm xe cơ giới đi qua đường ngang dân sinh. Về lâu dài nhất thiết phải làm đường gom, xóa bỏ đường ngang dân sinh bất hợp pháp. Biện pháp cấp bách trước mắt, Cty CP Đường sắt Hà Ninh phải khẩn trương xóa bỏ các đường ngang dân sinh ở những nơi đã có đường gom; ngành đường sắt sẽ xây dựng và triển khai lộ trình thay thế, lắp đặt hệ thống cảnh báo tự động tại toàn bộ hệ thống đường ngang hợp pháp...
Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh ghi nhận, tiếp thu các ý kiến đóng góp, yêu cầu nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu quả bảo đảm trật tự ATGT đường sắt và yêu cầu: Sở GTVT chủ trì cùng Công an tỉnh, Cty CP Đường sắt Hà Ninh và các địa phương có đường sắt đi qua kiểm tra, thống kê tất cả vi phạm hành lang ATGT đường sắt, hoàn thành trong tháng 3-2017 và thực hiện đồng bộ các giải pháp xử lý vi phạm; tổng hợp báo cáo các vi phạm chưa xử lý được đến tháng 3-2017 và có lộ trình, giải pháp xử lý dứt điểm vi phạm trong tháng 4-2017. Từ 30-3, Cty CP Đường sắt Hà Ninh phải chịu trách nhiệm đối với những vi phạm phát sinh mới mà đơn vị không phát hiện được; đối với những trường hợp phát hiện được, lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm với cấp chính quyền cao hơn. Sở GTVT chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan rà soát tất cả các đường ngang dân sinh qua đường sắt, tiến hành đóng các đường ngang có hệ thống đường gom; thống kê các điểm cần làm gờ giảm tốc và phân định trách nhiệm thực hiện của các cấp theo hướng tỉnh lộ do tỉnh sẽ đầu tư kinh phí, quốc lộ do ngành đường sắt đầu tư kinh phí. Nghiên cứu bố trí vốn nâng cấp các công trình phụ trợ bảo đảm ATGT đường sắt. Các địa phương phải tiếp tục tuyên truyền, giáo dục công dân chấp hành nghiêm quy định pháp luật về bảo đảm ATGT; tăng cường phối hợp kiểm tra, thống kê vi phạm và quản lý hành lang giao thông đường sắt; kiên quyết không để phát sinh vi phạm mới. Những điểm chưa có người cảnh giới, cần chắn tự động cần nghiên cứu đầu tư công trình bảo đảm ATGT đường sắt. Các sở, ngành của tỉnh phối hợp chặt chẽ với Ban ATGT tỉnh, Sở GTVT tăng cường tuyên truyền, giáo dục công tác bảo đảm ATGT. Đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các Tổng cục liên quan rà soát và sớm có giải pháp khắc phục bất cập của công trình hàng rào hộ lan để bảo đảm hiệu quả nguồn vốn đầu tư của Nhà nước./.
Thanh Thuý