Tập trung chỉ đạo quyết liệt phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

08:02, 24/02/2017
Theo thông báo của Cục Thú y, hiện nay cả nước có 3 tỉnh: Bạc Liêu, Quảng Ngãi, Nam Định phát sinh dịch cúm gia cầm và tỉnh Hà Tĩnh có dịch lở mồm long móng. Đặc biệt, trong tháng 1-2017, tại Trung Quốc đã ghi nhận 109 trường hợp người bị nhiễm vi-rút cúm gia cầm A/H7N9 và xảy ra nhiều ổ dịch cúm gia cầm độc lực cao như cúm gia cầm A/H5N2, A/H5N8, A/H5N6. Tại tỉnh ta, từ ngày 7-1 đến ngày 19-2-2017, dịch cúm gia cầm A/H5N1 đã phát sinh tại 6 hộ chăn nuôi của các xã Minh Tân (Vụ Bản), Trực Nội và Trực Thuận (Trực Ninh), tổng số gia cầm tiêu hủy là 7.850 con (gà 240 con, vịt 7.610 con).
 
Hiện thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm rất lớn làm giảm sức đề kháng của vật nuôi; các hộ chăn nuôi tăng cường nhập con giống để nuôi tái đàn, vì vậy nguy cơ dịch bệnh phát sinh, lây lan trên đàn vật nuôi như: dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng trên gia súc, dịch tai xanh là rất cao. Để chủ động ngăn chặn, phòng chống dịch cúm gia cầm và các dịch nguy hiểm khác ở động vật, ngày 21-2-2017, UBND tỉnh ban hành Công văn số 110/UBND-VP3 về việc tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Theo đó, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các sở, ngành liên quan khẩn trương kiện toàn Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp. Phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên BCĐ; các thành viên BCĐ tích cực bám sát địa bàn, đôn đốc chỉ đạo chính quyền cơ sở và người chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch. Tăng cường thông tin tuyên truyền về sự nguy hiểm của các loại dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch tới cộng đồng, đặc biệt là người chăn nuôi, người buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm. Đưa tin kịp thời, chính xác các trường hợp dịch bệnh phát sinh trên địa bàn, các quy định, cơ chế chính sách của Nhà nước về phòng, chống dịch để người dân biết chủ động, tự giác chấp hành. Tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm đến tận hộ chăn nuôi, tránh tư tưởng chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch. Khi phát hiện gia súc, gia cầm ốm chết bất thường phải báo ngay cho cơ quan thú y để xác định rõ nguyên nhân gây bệnh, trên cơ sở đó có biện pháp xử lý thích hợp không để dịch lây lan ra diện rộng. Các địa phương có dịch phải tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp chống dịch để nhanh chóng bao vây, dập dịch. Chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm; vận động hộ chăn nuôi, nhất là các chủ trang trại, gia trại chủ động mua các loại vắc-xin tiêm phòng đầy đủ cho đàn vật nuôi theo quy trình chăn nuôi của Sở NN và PTNT. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm khắc, triệt để các trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, nhất là gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc. Hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; cải tạo chuồng nuôi đảm bảo thông thoáng, khô ráo; con giống nhập phải khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng; rắc vôi bột lối đi và xung quanh khu vực chăn nuôi, định kỳ phun thuốc sát trùng 1-2 lần/tuần; tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng đàn vật nuôi, bổ sung các loại vitamin, nhất là vitamin C, khoáng chất vào khẩu phần ăn của vật nuôi. Các sở, ngành, thành viên BCĐ phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công./.
 
Ngọc Ánh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com