Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành NN và PTNT triển khai kế hoạch năm 2017

08:12, 27/12/2016

Ngày 26-12-2016, Bộ NN và PTNT đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2016, triển khai kế hoạch năm 2017. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành: NN và PTNT, KH và ĐT, LĐ-TB và XH, TN và MT, Y tế, Công an, Công thương, Văn phòng UBND tỉnh và một số doanh nghiệp nông nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ý kiến kết luận hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ý kiến kết luận hội nghị.

Năm 2016, ngành NN và PTNT toàn quốc đã nghiêm túc triển khai thực hiện các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ; bám sát tình hình thực tiễn; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai toàn diện các nhiệm vụ được giao và đạt nhiều kết quả. Tái cơ cấu tiếp tục được triển khai tích cực trên tất cả các lĩnh vực; kiểm soát tốt dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; theo dõi sát sao và đối phó có hiệu quả với các diễn biến bất thường của thời tiết, đặc biệt là hạn hán ở các tỉnh miền Trung và Tây nguyên, xâm nhập mặn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, lũ lụt ở Nam Trung Bộ; thực hiện tốt công tác phòng chống cháy rừng; công tác kiểm soát ATVSTP các loại mặt hàng nông, lâm, thủy sản tiếp tục được chỉ đạo triển khai mạnh mẽ, đã tạo được chuyển biến tích cực, bước đầu kiểm soát được tình hình buôn bán và sử dụng chất cấm trong sản xuất. Đến nay, tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt khoảng 1,2%; giá trị sản xuất tăng 1,44%. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả năm ước đạt 32,1 tỷ USD, tăng 1,7 tỷ USD so với năm 2015; thặng dư thương mại đạt khoảng 7,5 tỷ USD. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã đạt được kế hoạch đề ra, chú trọng hơn đến phát triển sản xuất và đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã (giao thông, điện, nước sạch, trường học các cấp, trạm y tế xã, nhà văn hóa và khu thể thao thôn), đặc biệt là đối với những xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho cư dân nông thôn.

Năm 2017 là năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và kế hoạch phát triển ngành 5 năm 2016-2020 trong bối cảnh những khó khăn thách thức được dự báo vẫn chưa giảm hơn so với năm 2016, toàn ngành Nông nghiệp tiếp tục thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu của ngành như sau: Tốc độ tăng trưởng GDP nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 2,5-2,8%; giá trị sản xuất của ngành tăng 2,8-3,1%; kim ngạch xuất khẩu đạt 32,5 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt 19 tiêu chí NTM 28-30%. Để đạt được mục tiêu trên, toàn ngành tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: tiếp tục thực hiện quyết liệt tái cơ cấu ngành; phát triển nông thôn, trọng tâm là thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia: xây dựng NTM, xóa đói giảm nghèo, bố trí dân cư…; phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, tăng cường năng lực phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; tiếp tục tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và VSATTP; đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ nông sản; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; tăng cường các hoạt động khoa học công nghệ và khuyến nông; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý ngành; tăng cường thu hút và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong mọi hoàn cảnh, nông nghiệp vẫn là trục đỡ của Việt Nam, góp phần rất lớn trong việc đảm bảo an sinh xã hội đất nước. Trong 10 năm qua, chưa bao giờ thiên tai, nhân tai dồn dập như trong năm vừa qua. Tuy nhiên ngành NN và PTNT đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo phòng, chống thiên tai kịp thời, quyết liệt, xử lý mọi tình huống; hệ thống nông nghiệp từ bộ, sở đến các địa phương đã nỗ lực khắc phục khó khăn nên đời sống của người dân vẫn được cải thiện. Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế ngành NN và PTNT như: chính sách hạn điền gây khó khăn trong việc tích tụ ruộng đất; doanh nghiệp nông nghiệp gắn liền với HTX chất lượng cao, dịch vụ tốt còn yếu kém; khoa học công nghệ trong nông nghiệp còn nhiều vấn đề hạn chế trên diện rộng; lao động nông nghiệp còn quá lớn; tình trạng ATTP trong nông nghiệp còn nhiều bất cập; vật tư nông nghiệp (giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón…) chưa quản lý tốt; thương mại điện tử trong nông nghiệp phát triển chưa đáng kể; nạn phá rừng đang là vấn đề lớn đe dọa đến phát triển đất nước; nhiều địa phương có điều kiện xây dựng NTM nhưng chưa quan tâm; hệ thống thủy lợi, hồ chứa, kênh dẫn xuống cấp gây nguy hiểm và lãng phí nước… Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành NN và PTNT đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp từ chiều rộng sang chiều sâu, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp. Tiếp tục tổ chức sản xuất theo các hình thức: doanh nghiệp Nhà nước trong nông nghiệp, doanh nghiệp tư nhân trong nông nghiệp, các Cty nông nghiệp, HTX… một cách có hiệu quả. Phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Tiếp tục khai thác hội nhập quốc tế mạnh hơn. Tiếp tục đầu tư, hiện đại hóa hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phục vụ phát triển sản xuất và phòng chống thiên tai. Hoàn thiện cơ chế chính sách tạo động lực thúc đẩy tái cơ cấu, hỗ trợ phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM. Xây dựng NTM phải đảm bảo môi trường sống cho người dân. Bộ trưởng Bộ NN và PTNT, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh phải quan tâm thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn./.

Ngọc Ánh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com