Giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm

08:12, 20/12/2016

Ngày 19-12-2016, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) của tỉnh do đồng chí Trương Anh Tuấn, TUV, Phó Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH của tỉnh làm trưởng đoàn đã tiến hành giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011-2016” trên địa bàn tỉnh tại các Sở Y tế, Công thương.

Với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP của tỉnh, thời gian qua, Sở Y tế đã làm tốt công tác tham mưu, ban hành văn bản và cơ chế, chính sách, giải pháp trong quản lý ATTP. Chủ động xây dựng chương trình kế hoạch triển khai có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia về ATTP; triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm ATTP trên địa bàn như tuyên truyền, giáo dục kiến thức về ATTP; ý thức tuân thủ pháp luật về ATTP cho các nhóm đối tượng; tăng cường các biện pháp giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm; phòng chống ngộ độc thực phẩm, thanh tra, kiểm tra, nhất là công tác phối hợp liên ngành đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó, việc kiểm soát các nguy cơ gây mất ATTP được triển khai bài bản từ việc kiểm nghiệm thực phẩm, phân tích nguy cơ đối với ATTP, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, thu hồi và xử lý thực phẩm không đảm bảo ATTP từ đó có biện pháp cụ thể để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát ATVSTP được tăng cường, tập trung vào những điểm có nguy cơ cao về mất ATTP; đồng thời kiên quyết xử lý những cơ sở có vi phạm, đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, răn đe kịp thời. Đối với Sở Công thương, việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP được tập trung vào công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; công tác thẩm định, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP và hướng dẫn các địa phương trên địa bàn quản lý ATTP thuộc lĩnh vực quản lý của ngành theo Quyết định số 44/2016/QĐ-UBND ngày 21-10-2016 về phân cấp quản lý Nhà nước về ATTP thuộc trách nhiệm của ngành Công thương trên địa bàn tỉnh Nam Định cho UBND cấp huyện quản lý. Trong giai đoạn 2011-2016, công tác kiểm tra phát hiện xử lý các vi phạm về  hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại về VSATTP được duy trì thường xuyên với nhiều đợt cao điểm, kiểm tra theo chuyên đề. Qua đó đã phát hiện, xử lý 239 vụ vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm ATTP; 312 vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp; 352 vụ vi phạm quy định về ghi nhãn thực phẩm. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại như: Sự phối kết hợp giữa các cấp chính quyền chưa thực sự nhịp nhàng, chặt chẽ; tình hình ngộ độc thực phẩm vẫn diễn biến hết sức phức tạp, nhất là tại các bếp ăn tập thể; cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa bảo đảm các điều kiện về ATTP còn nhiều, việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại và xử lý vi phạm pháp luật về ATTP được đẩy mạnh, tuy nhiên việc xử lý vi phạm còn nương nhẹ ở tuyến huyện, tuyến xã. Nguyên nhân của những hạn chế trên có phần do: Chưa có nhiều cơ chế chính sách thực hiện đảm bảo ATTP, nguồn lực đầu tư cho đảm bảo ATTP rất hạn chế. Hiệu quả công tác tuyên truyền chưa cao. Các yếu tố tác động, ảnh hưởng đến ATTP ngày càng gia tăng và phức tạp. Trong đó, tình trạng ô nhiễm môi trường gia tăng, tình trạng sản xuất để lại tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, vi sinh vật trên nông sản là nguyên liệu chế biến thực phẩm còn chiếm tỷ lệ cao. Các cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm chủ yếu là nhỏ lẻ, sản xuất theo mùa vụ, trang thiết bị sản xuất thực phẩm thô sơ, nên điều kiện vệ sinh không đảm bảo chất lượng VSATTP... Do đó, việc thực hiện chính sách pháp luật về ATTP trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Tại các buổi giám sát, Sở Công thương, Sở Y tế đã nêu những đề xuất, kiến nghị nhằm đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP gồm: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ATTP; từng bước hoàn thiện chế độ, chính sách trong công tác bảo đảm ATTP. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền các cấp đối với công tác bảo đảm ATTP,  thông tin, giáo dục và truyền thông về ATTP, năng lực của hệ thống quản lý Nhà nước về ATTP và triển khai cách tiếp cận tiên tiến bảo đảm VSATTP cũng như tăng cường năng lực hệ thống kiểm nghiệm ATTP. Các ngành Y tế, Công thương kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ cần tăng cường giám sát, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết số 34/2009/NQ-QH12 ngày 19-6-2009 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP, đặc biệt đối với vấn đề bố trí kinh phí đảm bảo đủ mức cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quản lý ATTP. Bố trí ngân sách đủ đảm bảo theo kế hoạch của dự án ATTP thuộc Chương trình mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2016-2020. Đối với cơ quan tư pháp cần đảm bảo hoạt động kiểm tra ATTP theo nguyên tắc: Khách quan, chính xác, công khai, minh bạch; bảo vệ bí mật thông tin, tài liệu, kết quả kiểm tra liên quan đến cơ quan, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm được kiểm tra khi chưa có kết luận chính thức; chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm tra, kết luận có liên quan. Các sở, ngành làm tốt công tác quản lý ATTP theo nhóm hàng, ngành hàng được phân công và chấp hành quy chế phối hợp lực lượng trong kiểm tra, kiểm soát ATTP trên địa bàn. Các thành viên trong đoàn giám sát đề nghị Sở Công thương, Sở Y tế làm rõ một số nội dung như: Những bất cập từ các văn bản pháp luật đối với việc thực hiện về VSATTP. Công tác phối hợp liên ngành trong công tác quản lý Nhà nước về VSATTP. Công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật về ATTP. Tình hình ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm, việc khắc phục sự cố về ATTP. Việc xã hội hóa công tác quản lý ATTP và thực trạng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, kinh phí để thực hiện công tác quản lý ATTP.

Đoàn giám sát đã ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của Sở Công thương, Sở Y tế để tổng hợp báo cáo chuyển đến các cơ quan có thẩm quyển xem xét, giải quyết.

Trong chương trình làm việc, Đoàn ĐBQH của tỉnh đã đi giám sát thực tế tại Cty TNHH Thương mại Hòa Bình và Cty TNHH Nam Dược./.

Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com