Ngày 9-11, tại Hà Nội đã diễn ra Đại hội thành lập Hội Chủ rừng Việt Nam.
Hiện nay, cả nước có gần 1,5 triệu hộ gia đình, cá nhân được giao đất, giao rừng. Theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, các hộ gia đình và cá nhân này đang là các chủ rừng và họ cũng là những người đang làm rừng, đang quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng.
Ngoài gần 1,5 triệu hộ gia đình, cá nhân được giao đất, giao rừng còn có trên 1 vạn cộng đồng dân cư thôn được giao rừng và hàng trăm chủ rừng là các Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ, các Cty lâm nghiệp, các tổ chức quản lý các khu rừng nghiên cứu khoa học và đào tạo...
Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn của mình, các chủ rừng cũng gặp không ít các khó khăn rất cần có sự liên kết và hợp tác với nhau. Do đó quá trình hình thành Hội Chủ rừng Việt Nam cũng là mục đích tập hợp, liên kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong quản trị rừng, trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ rừng; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên theo quy định của pháp luật, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Hà Công Tuấn, cả nước có trên 3,88 triệu ha rừng trồng, trong đó chủ yếu là rừng trồng sản xuất với 3,19 triệu ha. Trong 5 năm qua, diện tích rừng trồng đã tăng nhanh chóng, từ năm 2011 đến 2015 diện tích rừng đã tăng lên 553 nghìn ha, trong đó chủ yếu là tăng diện tích rừng trồng đầu tư bằng nguồn vốn xã hội với 531 nghìn ha, còn lại Nhà nước đầu tư tăng cho rừng chỉ mấy chục nghìn ha.
Cùng với quá trình khôi phục và phát triển rừng trong nhiều năm qua, sản lượng gỗ khai thác cũng tăng cao. Năm 2015, sản lượng gỗ rừng trồng đã đạt 17 triệu m3, đáp ứng 70-80% nguyên liệu cho chế biến trong nước và xuất khẩu./.
Theo nongnghiep.vn