Nhân kỷ niệm 70 năm bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam ra đời (1946-2016) và hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (9-11), sáng 5-11, Văn phòng Quốc hội tổ chức hội thảo khoa học “70 năm Hiến pháp Việt Nam”.
70 năm qua, kể từ ngày Hiến pháp năm 1946 ra đời (9-11-1946), trong từng giai đoạn lịch sử cách mạng khác nhau, Quốc hội đã ban hành các bản Hiến pháp 1959, 1980, 1992 và 2013 trên cơ sở kế thừa và phát huy kinh nghiệm lập hiến cũng như những giá trị chính trị, pháp lý của bản Hiến pháp 1946.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tiếp tục làm rõ ý nghĩa lịch sử ra đời của Hiến pháp 1946; vai trò của Hiến pháp 1946 đối với cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân ta và những giá trị mang tính thời đại của Hiến pháp 1946 đối với sự nghiệp đẩy mạnh CNH-HĐH và hội nhập ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Quang cảnh Hội thảo |
Các đại biểu cũng phân tích làm rõ những giá trị về tư tưởng pháp quyền được thể hiện trong Hiến pháp 1946 và sự kế thừa, phát triển trong các bản Hiến pháp về sau, đặc biệt trong bản Hiến pháp năm 2013; những bài học kinh nghiệm trong việc tổ chức mô hình, tổ chức quyền lực Nhà nước trong Hiến pháp 1946; giá trị của các quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong bản Hiến pháp đầu tiên.
Bản Hiến pháp 1946 đã tiếp thu có chọn lọc các hiến pháp dân chủ và tiến bộ của các nước, đồng thời đã “Việt hóa” tối đa cho phù hợp với điều kiện của nước ta. Điểm nổi bật của mô hình tổ chức bộ máy Nhà nước trong Hiến pháp 1946 là đề cao vai trò của nghị viện nhân dân, cơ quan cao nhất của quyền lực Nhà nước; nhấn mạnh vai trò của nghị viện trong việc giám sát Chính phủ; đề cao tính độc lập của hệ thống tòa án - cơ quan tư pháp; phân quyền rõ nét và hợp lý cho chính quyền địa phương... Mặc dù những quy định này chưa được tổ chức kiểm nghiệm nhiều trên thực tế do điều kiện lịch sử lúc đó nhưng tinh thần, tư tưởng và giá trị của Hiến pháp 1946 đã được đặt ra và kế thừa trong quá trình xây dựng Hiến pháp 2013.
Nhìn lại lịch sử lập hiến Việt Nam, GS.TS Nguyễn Đăng Dung cho rằng Hiến pháp 1946 có nhiều dấu ấn của chủ nghĩa lập hiến hơn cả. Theo GS. Dung, đây là bản hiến pháp có cách tiếp cận gần với quyền con người nhất. Quyền công dân được Hiến pháp 1946 quy định ngay ở các chương đầu tiên, làm cơ sở cho việc quy định các chương khác. Tư hữu tài sản là một trong những quyền cơ bản nhất của con người được ghi nhận tại Điều 12 như là một trong những bảo đảm quan trọng cho việc thực hiện nhân quyền của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Theo PGS.TS Lê Minh Thông, “Nghị viện nhân dân” là mô hình tổ chức Quốc hội đầu tiên của Việt Nam được quy định tại bản Hiến pháp đầu tiên của chính thể cộng hòa ở nước ta - Hiến pháp 1946. Với cách thể hiện mới,
Hiến pháp 2013 đã tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của Quốc hội là “cơ quan có quyền cao nhất của Nhà nước”, điều đã được khẳng định tại Hiến pháp 1946. Hiến pháp 2013 quy định: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Hiến pháp 2013 đã thể hiện rõ hơn vị trí của Quốc hội trong cấu trúc tổ chức quyền lực Nhà nước theo đúng nguyên tắc “quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
Còn PGS.TS Vũ Công Giao cho rằng mặc dù không đề cập đến khái niệm “Quyền con người”, nhưng về bản chất các quyền công dân trong Chương II của Hiến pháp 1946 cũng chính là các quyền con người mà sau đó được ghi nhận trong “Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền” năm 1948 của LHQ và hai công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa năm 1966 của Đại hội đồng LHQ. Cùng với việc khẳng định các quyền con người, Hiến pháp năm 1946 còn xác lập những nguyên tắc và phương thức tổ chức quyền lực chống lại sự lạm quyền của các cơ quan Nhà nước, giúp bảo vệ các quyền tự do dân chủ của nhân dân.
* Trong khuôn khổ sự kiện, trước đó Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã cắt băng khai trương triển lãm “70 năm Hiến pháp Việt Nam”. Triển lãm trưng bày 100 hình ảnh tài liệu tiêu biểu được lựa chọn trưng bày, với nội dung tập trung vào các sắc lệnh, văn kiện, bài báo tiêu biểu về công tác soạn thảo, thông qua Hiến pháp 1946 và các bản Hiến pháp về sau.
Triển lãm nhằm góp phần thông tin về hoàn cảnh ra đời và giá trị các bản Hiến pháp trong từng giai đoạn lịch sử của dân tộc, đặc biệt là quá trình ra đời của Hiến pháp năm 1946 cũng như sự kế thừa, phát triển những giá trị đó trong hoạt động lập hiến của Quốc hội những năm về sau./.
Theo dangcongsan.vn