Ngày 8-10-2016, Sở NN và PTNT tổ chức hội nghị đánh giá kết quả sản xuất vụ mùa, triển khai sản xuất cây vụ đông năm 2016 và bàn các giải pháp hạn chế tình trạng bỏ ruộng hoang.
Vụ mùa năm 2016, toàn tỉnh gieo cấy 77.284ha, trong đó có 4.452ha lúa mùa sớm, 66.540ha lúa mùa trung và 6.292ha lúa đặc sản, diện tích gieo sạ đạt 15.423ha. Toàn tỉnh xây dựng được 100 mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa với 4.616ha, trong đó có 575ha được bao tiêu sản phẩm. Từ ngày 30-9, một số địa phương bắt đầu thu hoạch lúa. Đến hết ngày 7-10, toàn tỉnh thu hoạch được xấp xỉ 5.820ha, bằng 8% diện tích, tập trung ở các huyện Ý Yên 3.500ha, Hải Hậu 1.500ha, Trực Ninh 400ha, Vụ Bản 360ha… Theo đánh giá của Sở NN và PTNT, năng suất lúa mùa sớm, mùa trung cho năng suất khá. Riêng các diện tích lúa bị nhiễm bệnh bạc lá giảm năng suất trung bình 20%. Năng suất lúa mùa bình quân toàn tỉnh ước giảm 4-5% so với vụ mùa 2015. Vụ đông 2016, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 15 nghìn ha, trong đó có 5.500ha trên đất 2 lúa tập trung vào các cây: khoai tây, bí xanh, cà chua, đậu tương, ngô… Xây dựng 9-10 mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông với doanh nghiệp với quy mô trên 5ha/mô hình. Xây dựng 9-10 mô hình sản xuất rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản (mỗi huyện, thành phố phấn đấu ít nhất 1 mô hình). Sở NN và PTNT đề nghị các huyện, thành phố và các Cty KTCTTL trong thời gian tới tập trung theo dõi chặt chẽ và tổ chức phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh cuối vụ, đặc biệt quan tâm trừ rầy trên các trà lúa mùa trung, mùa muộn và sâu đục thân trên trà lúa tám đặc sản. Chủ động và sẵn sàng các phương án phòng chống mưa úng cuối vụ cho lúa, màu; đôn đốc thu hoạch nhanh gọn lúa mùa với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Bố trí cây trồng phù hợp từng chân đất; thực hiện gieo trồng đúng thời vụ; chủ động, tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông; chủ động phương án tưới, tiêu phục vụ sản xuất cây vụ đông. Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện tốt chiến dịch làm thủy lợi nội đồng kết hợp với chỉnh trang, kiến thiết đồng ruộng theo tiêu chí NTM.
Hiện nay, tình trạng nông dân bỏ ruộng đang là vấn đề “nóng” của nhiều địa phương. Trong vụ mùa 2016, có gần 11.700 hộ nông dân tại 80 xã, thị trấn bỏ ruộng hoang với tổng diện tích gần 1.100ha, tăng 145ha so với vụ xuân 2016. Nguyên nhân nông dân bỏ ruộng do sự phát triển nhanh của tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và dịch vụ ở nông thôn cho thu nhập ổn định và cao hơn làm nông nghiệp nên đã thu hút nhiều lao động nông thôn; do một số diện tích bị ô nhiễm, hệ thống tưới - tiêu nước xuống cấp không phát huy được tác dụng… Các ý kiến bàn giải pháp khắc phục tình trạng nông dân bỏ ruộng đều tập trung vào việc khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân thuê để sản xuất hàng hóa; chuyển đổi những diện tích cấy lúa bị hạn, mặn sang trồng cây rau màu ngắn ngày, cây dược liệu, những diện tích ngập úng chuyển sang mô hình lúa - cá…
Ngọc Ánh