Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh góp ý vào Dự thảo Luật Du lịch và Luật Thủy lợi

08:10, 11/10/2016

Ngày 10-10-2016, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan hữu quan góp ý xây dựng các dự thảo: Luật Du lịch (sửa đổi) và Luật Thủy lợi. Đồng chí Trương Anh Tuấn, TUV, Phó Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị.

Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi), đa số các đại biểu thống nhất với kết cấu, nội dung dự thảo và sự cần thiết sửa đổi Luật Du lịch để phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế. Trong 52 ý kiến đóng góp xây dựng luật đã tập trung vào một số nội dung về quy hoạch phát triển du lịch; khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch, du lịch lữ hành; điều kiện cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch; cơ sở lưu trú du lịch, kinh doanh dịch vụ du lịch, xúc tiến du lịch và hợp tác du lịch… Ở điều 32 quy định điều kiện cấp kinh doanh lữ hành, các đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm khoản quy định về trình độ chuyên môn, nghĩa vụ của người quản lý điều hành và số lượng hướng dẫn viên du lịch hoặc có lượng hợp đồng lao động thường xuyên tối thiểu là 3 người để có nguồn nhân lực cần thiết đảm bảo năng lực hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành. Ở khoản 3, điều 48 các ý kiến đề nghị bổ sung thêm nội dung: Chủ tịch UBND tỉnh quy định tuyến đường, điểm dừng đỗ thuận lợi trong và ngoài đô thị cho các phương tiện vận tải du lịch. Ở khoản 1, điều 51 các ý kiến đề nghị nên bổ sung thêm quy định đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa như Luật Du lịch năm 2005. Trong chương 7, chương 9 các ý kiến đề nghị cần bổ sung thêm các điều, khoản quy định về ngành nghề, hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện trong cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng không phải xin cấp phép kinh doanh; cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm ban hành, niêm yết công khai giá thu các loại phí dịch vụ du lịch tại các điểm du lịch. Ngoài ra, nhiều ý kiến đại biểu còn đề nghị trong dự thảo Luật Du lịch cần có thêm các điều, khoản quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan trong hoạt động du lịch.

Dự thảo Luật Thủy lợi gồm 9 chương, 72 điều quy định các hoạt động về thủy lợi; quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân hoạt động về thủy lợi; quản lý Nhà nước về thủy lợi. Tại hội nghị, đa số các đại biểu nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Thủy lợi. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị cần làm rõ như: Chiến lược quy hoạch thủy lợi; quản lý khai thác công trình thủy lợi; đảm bảo an toàn công trình thủy lợi; thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng; quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong hoạt động thủy lợi; quản lý Nhà nước về thủy lợi. Trong đó, ở điều 1 nên bổ sung thêm nội dung an toàn công trình thủy lợi; chuyển điểm d, khoản 2, điều 6 sang chương VIII trách nhiệm quản lý Nhà nước về thủy lợi; điểm b, khoản 2, điều 21 nên quy định rõ là ủy quyền hay phân cấp quản lý công trình thủy lợi để đảm bảo thống nhất quy định theo Luật Chính quyền địa phương. Nên bỏ điều 32, quy định về hợp đồng cung cấp dịch vụ thủy lợi. Đặc biệt nhiều ý kiến đề nghị trong dự án Luật cần có thêm chương quy định về bảo vệ công trình thủy lợi và các điều, khoản đề cập đến trách nhiệm của Nhà nước, các tổ chức và cá nhân về vấn đề biến đổi khí hậu; hợp tác quốc tế trong hoạt động thủy lợi…

Những ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp trình Quốc hội nhằm bổ sung, hoàn thiện các Dự thảo luật, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển./.

Trần Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com