Chiều 12-9-2016, đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã thực hiện giám sát chuyên đề tại Sở KH và CN về “Kết quả thực hiện nghiên cứu và ứng dụng các đề tài, dự án KH và CN sử dụng kinh phí từ ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn 2011-2016”.
Giai đoạn 2011-2016, Sở KH và CN đã làm tốt công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch về phát triển KH và CN; tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách, biện pháp thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ cũng như xét duyệt danh mục các nhiệm vụ KHCN hằng năm. Đồng thời đẩy mạnh việc theo dõi, kiểm tra và đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ KHCN. Trong 5 năm 2011-2016, Sở KH và CN đã tổ chức thực hiện được 162 nhiệm vụ KHCN với tổng kinh phí hỗ trợ là 101,4 tỷ đồng. Trong đó lĩnh vực khoa học xã hội - nhân văn 19 nhiệm vụ; lĩnh vực NN và PTNT 33 nhiệm vụ; lĩnh vực công nghiệp 16 nhiệm vụ; lĩnh vực y tế, giáo dục 10 nhiệm vụ; lĩnh sở hữu trí tuệ 11 nhiệm vụ; lĩnh vực công nghệ thông tin 47 nhiệm vụ; lĩnh vực giao thông, tài nguyên và môi trường, phòng chống thiên tai 9 nhiệm vụ và 17 nhiệm vụ trong lĩnh vực xây dựng hệ thống quản lý chất lượng ISO. Các nhiệm vụ KHCN đều được triển khai thực hiện theo đúng quy trình, tiến độ và mang lại hiệu quả thiết thực cho đơn vị trực tiếp thực hiện và cộng đồng, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Bên cạnh những thuận lợi, trong quá trình triển khai các nhiệm vụ KHCN, Sở KH và CN còn gặp nhiều khó khăn như: Kinh phí dành cho nghiên cứu triển khai ứng dụng các tiến bộ KH và CN còn quá ít lại chưa thực hiện xã hội hóa nên hiệu quả ứng dụng chưa cao. Chính sách khuyến khích chưa đủ mạnh để cho các doanh nghiệp tăng cường đầu tư phát triển. Nguồn nhân lực KHCN tuy đông về số lượng nhưng lực lượng chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực quản lý, kỹ thuật chuyên ngành, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ mũi nhọn rất ít; thiếu các tổ chức KHCN chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh và chưa có cán bộ chuyên trách cho quản lý KHCN nên nghiệp vụ quản lý KHCN còn hạn chế…
Tại buổi giám sát, Sở KH và CN đề nghị: đối với Trung ương cần tiếp tục hỗ trợ tỉnh thực hiện các chương trình phát triển tài sản trí tuệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH và CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi. Cần có chế độ chính sách đối với các nhà khoa học và các nhà quản lý khoa học. Đối với UBND tỉnh, Sở KH và CN đề nghị tăng nguồn kinh phí đầu tư cho KHCN; nâng cao tiềm lực cho các trung tâm ứng dụng KHCN; các trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; đôn đốc các ngành, các địa phương kiện toàn và đẩy mạnh hoạt động của hội đồng khoa học. Có giải pháp giải quyết vấn đề biên chế quản lý KHCN tại các huyện, thành phố theo đúng tinh thần Thông tư liên tịch số 29/2014/TTLT-BKHCN-BNV của liên Bộ KH và CN và Bộ Nội vụ. Xây dựng cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế tích cực đầu tư đổi mới công nghệ, nghiên cứu triển khai ứng dụng công nghệ vào sản xuất; tạo điều kiện cho việc nhân rộng kết quả đề tài, dự án KH và CN sau khi đã nghiệm thu. Các thành viên trong đoàn giám sát đề nghị Sở KH và CN làm rõ một số nội dung như: Kết quả quá trình thực hiện quy hoạch phát triển KHCN trong thời gian qua. Giải pháp nhân rộng các đề tài nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào thực tiễn cuộc sống; đóng góp từ các đề tài, dự án ứng dụng công nghệ thông tin vào nhiệm vụ cải cách hành chính và việc tiếp cận các dự án KHCN của các doanh nghiệp. Thực trạng hoạt động của Hội đồng KHCN các ngành, các huyện, thành phố; công tác đào tạo cán bộ làm công tác KHCN…
Những kiến nghị, đề xuất liên quan đến hoạt động KHCN đã được Đoàn giám sát ghi nhận và tổng hợp vào báo cáo giám sát chuyên đề của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh trình tại kỳ họp cuối năm 2016, HĐND tỉnh khóa XVIII./.
Văn Trọng