Tập trung chăm sóc lúa mùa, rau màu và ổn định chăn nuôi sau bão

07:08, 05/08/2016

Bão số 1 (Mirinae) gây gió rất mạnh kèm theo mưa lớn đã gây thiệt hại lớn cho lúa mùa, cây màu hè thu và ngành chăn nuôi. Theo báo cáo của các huyện, thành phố và các Cty TNHH một thành viên KTCTTL, toàn tỉnh có khoảng 24.750ha lúa (bằng 31,8% diện tích) và 7.000ha cây rau màu hè thu bị thiệt hại. Riêng chăn nuôi, đến hết ngày 31-7-2016, số gia súc, gia cầm bị chết là: 105 nghìn con gia cầm, trên 2.200 con lợn, 5 trâu bò, 12 con dê; trên 6.400 chuồng trại chăn nuôi bị tốc mái và sập đổ; ước thiệt hại khoảng 28 tỷ đồng.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Để khắc phục nhanh hậu quả của mưa bão, ổn định sản xuất và đảm bảo an toàn dịch bệnh, Sở NN và PTNT đã có các Công văn số 542/SNN-TTBVTV ngày 1-8-2016 và số 545/SNN-CNTY ngày 2-8-2016 đề nghị UBND, Phòng NN và PTNT, Cty TNHH một thành viên KTCTTL các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo các địa phương bằng mọi biện pháp tiếp tục khẩn trương tiêu úng cứu lúa. Tổ chức kiểm tra, đánh giá, phân loại mức độ thiệt hại của từng vùng, từng cánh đồng để có biện pháp chỉ đạo khắc phục và chăm sóc kịp thời, phù hợp; không để ruộng hoang. Đối với lúa mùa, những diện tích lúa bị thiệt hại nặng (trên 50%) không có khả năng phục hồi (gốc nhũn, rễ đen) thì phải khẩn trương ngâm bổ sung ngay bằng các giống như: TH3-3, KD18, TBR 225, QR1, PC6… gieo mạ nền để cấy lại, xong trước ngày 12-8. Những diện tích chủ động nước, gọn vùng có thể gieo sạ xong trước ngày 6-8. Những diện tích lúa có tỷ lệ chết dưới 50%, còn khả năng phục hồi (có rễ trắng, gốc cứng, lá xanh) chờ sau khi nước rút 2-3 ngày, vơ bỏ lá thối và tiến hành cấy dặm, cấy dồn bằng mạ dư, mạ dự phòng hoặc tỉa khóm ở những ruộng lúa tốt, ruộng gieo sạ có mật độ dày để dặm. Sau khi cấy dặm, bón bổ sung thêm 2kg đạm urea + 5kg supe lân + 2kg kali/sào. Chú ý phải đảm bảo mực nước nông thường xuyên để cây lúa nhanh hồi phục và ra rễ mới. Tổ chức bắt và diệt trừ ốc bươu vàng bằng biện pháp thủ công là chính. Đối với rau màu hè thu, những diện tích bị thiệt hại nhẹ: thu gom những cây chết, cây bị gãy đổ không còn khả năng phục hồi và trồng dặm cho những cây rau ngắn ngày. Sử dụng các chế phẩm phân bón lá hoặc chất hỗ trợ sinh trưởng như: Pennac P, K-H, N-H, Yogen siêu lân để phun cho cây phục hồi nhanh. Khi cây đã hồi phục, căn cứ vào từng loại cây trồng, thửa ruộng, thực hiện các biện pháp chăm sóc bổ sung cụ thể. Cây ngô: mỗi sào bón bổ sung từ 3-4kg phân Supe lân, kết hợp vun xới nhẹ làm thông thoáng gốc. Sau khi cây hồi phục hoàn toàn, tiến hành chăm sóc bình thường. Cây lạc, đậu tương: xới phá váng, chăm sóc theo quy trình và phun phòng bệnh lở cổ rễ bằng các loại thuốc: Moren 25WP, Canvil 50SC, Anvil 5sc, Amistar Top 325SC, Kasumin 2L… (phun kết hợp cùng phân qua lá). Các cây rau xanh ngắn ngày (ăn lá, củ): tận thu những diện tích đã đến kỳ thu hoạch; những diện tích còn non chờ sau khi cây phục hồi tiến hành xới phá váng, tưới đủ ẩm và chăm sóc cây. Những diện tích bị thiệt hại nặng, không còn khả năng phục hồi, phải khẩn trương vệ sinh đồng ruộng và trồng mới, trồng bù bằng các loại rau ăn lá ngắn ngày như: cải ngọt, cải chíp, cải bẹ mào gà, cải thìa, cải bó xôi, cải củ… Đối với ngành chăn nuôi, các địa phương khẩn trương rà soát, thống kê thiệt hại về vật nuôi và cơ sở vật chất, ước tính thiệt hại theo văn bản hướng dẫn của Sở NN và PTNT. Hướng dẫn, đôn đốc người chăn nuôi dọn dẹp, gia cố, sửa chữa đối với những chuồng trại bị tốc mái, hỏng cửa… đảm bảo có nơi nuôi nhốt gia súc, gia cầm; đối với những chuồng trại bị sập, đổ hoàn toàn, khi xây mới phải đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật. Thực hiện tổng vệ sinh chuồng trại; khơi thông cống rãnh cho nước rút nhanh, sau khi nước rút tiến hành khử trùng, tiêu độc chuồng trại, khu chăn nuôi, nhất là những khu vực đã bị ngập nước bằng vôi bột và các loại thuốc khử trùng như: Benkocid, Han-Iodine, Cloramin B… Kiểm tra kho thức ăn đảm bảo thức ăn không bị ẩm ướt, nấm mốc. Tăng cường quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng tốt đàn vật nuôi nhằm nâng cao sức đề kháng; bổ sung thêm vitamin, khoáng chất vào thức ăn, nước uống. Tuyệt đối không cho gia súc, gia cầm ăn các loại thức ăn đã bị ẩm, mốc. Vận hành tốt hệ thống làm mát, tăng cường các biện pháp làm thông thoáng chuồng nuôi. Tuyên truyền, hướng dẫn bà con chỉ tái đàn khi chuồng trại đã được khắc phục chắc chắn, đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y; con giống phải được mua từ các cơ sở giống có uy tín, có công bố tiêu chuẩn chất lượng; xuất phát từ những vùng không có dịch, có giấy chứng nhận của cơ quan thú y. Không mua con giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát phát hiện dịch bệnh và đảm bảo VSATTP. Khi có hiện tượng gia súc, gia cầm ốm, chết bất thường kèm các dấu hiệu nghi ngờ của bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phải báo ngay cho các cán bộ thú y cơ sở để được hướng dẫn xử lý; hạn chế dịch lây lan ra diện rộng. Làm tốt công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ đảm bảo VSATTP. Rà soát, tiêm phòng vắc-xin bổ sung cho đàn gia súc, gia cầm, nhất là các bệnh hay xảy ra sau mưa bão, ngập úng như bệnh dịch tả lợn, lở mồm long móng, E.Coli, thương hàn, tụ huyết trùng và một số bệnh truyền nhiễm khác. Các huyện, thành phố phân công cán bộ tăng cường về các cơ sở, trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá và khắc phục hậu quả của mưa bão./.

Đức Toàn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com