Ngày 24-8-2016, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường (BVMT). Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì. Hội nghị có sự tham dự của các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ: Ủy viên Bộ Chính trị Trương Hòa Bình; các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng; đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương. Dự hội nghị tại tỉnh ta có các đồng chí: Trần Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Ngô Gia Tự, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, các địa phương và các doanh nghiệp có liên quan đến xả thải nhiều ra môi trường.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN |
Theo báo cáo của Bộ TN và MT, môi trường nước ta đang chịu nhiều áp lực lớn từ phát triển kinh tế - xã hội. Hằng năm, cả nước có hơn 2.000 dự án thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Khu vực FDI có chiều hướng dịch chuyển dòng vốn vào các ngành tiêu tốn năng lượng và tài nguyên, nhân lực; không thân thiện với môi trường như luyện kim, sửa chữa tàu biển, khai thác và tận thu khoáng sản... Công tác quản lý các vấn đề môi trường còn quá nhiều tồn tại, yếu kém. Thiếu cơ chế, tiêu chí về môi trường để sàng lọc hiệu quả các loại hình sản xuất, công nghệ sản xuất, các dự án đầu tư vào khu vực nhạy cảm về môi trường. Thiếu cơ chế thúc đẩy khu vực kinh tế xanh, đầu tư vào các loại hình sản xuất thân thiện với môi trường.
Năng lực quan trắc, cảnh báo, phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường về môi trường, các sự cố môi trường còn nhiều hạn chế… Vẫn còn một số lượng lớn cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tình trạng vi phạm pháp luật về BVMT diễn biến phức tạp. Đã xảy ra sự cố môi trường lớn, tác động trên diện rộng, đặc biệt là sự cố môi trường biển ở miền Trung vừa qua; bùng phát các điểm nóng gây ô nhiễm môi trường. Tình trạng vi phạm xả thải, chôn lấp chất thải gây ô nhiễm môi trường xảy ra ở nhiều địa phương. Nước thải sinh hoạt ở hầu hết các đô thị, khu dân cư chưa được xử lý. Rác thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp chưa được quản lý tốt gây ô nhiễm môi trường. Hiện chỉ có 40/786 đô thị trên cả nước có công trình xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý mới chỉ đạt 10-11%, còn lại thải trực tiếp ra môi trường. Khoảng 80% lượng thuốc bảo vệ thực vật đang được sử dụng không đúng quy định. Nguồn nước mặt, nước dưới đất trong các khu đô thị, khu dân cư ở một số địa phương bị ô nhiễm nặng. Nguyên nhân chính của những tồn tại, bất cập kể trên là do tình trạng chú trọng lợi ích kinh tế trước mắt, coi nhẹ công tác BVMT còn khá phổ biến, nhất là trong quá trình thẩm định, xét duyệt, thực hiện các dự án đầu tư. Cơ chế thu hút dự án FDI bằng mọi giá, đánh đổi với chi phí cơ hội về môi trường. Trong khi đó, Việt Nam có xu hướng nới lỏng các tiêu chuẩn BVMT nhằm cạnh tranh với các nước khác trong quá trình thu hút nguồn vốn này. Chính vì vậy, nhiều dự án FDI đã gây nên những tác hại rất lớn về môi trường. Một số dự án FDI vi phạm pháp luật gây ô nhiễm môi trường như các Cty Vedan, Miwon, Formosa, khói bụi ô nhiễm của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Cty Lee&Men… Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng những hạn chế của Việt Nam về các quy chuẩn kỹ thuật để đưa vào những công nghệ lạc hậu, thâm dụng tài nguyên, thâm dụng năng lượng và lao động nhằm tối đa hóa lợi nhuận.
Tại hội nghị, các địa phương, các bộ, ban, ngành đã tập trung đánh giá tổng thể các vấn đề môi trường bức xúc trong giai đoạn hiện nay; phân tích các tồn tại, yếu kém, nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan trong công tác quản lý Nhà nước về BVMT; đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về BVMT, bảo đảm phát triển bền vững đất nước.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ cho rằng phải thay đổi tư duy phát triển, theo hướng tăng trưởng kinh tế gắn với BVMT, không vì lợi ích trước mắt mà làm tổn hại đến môi trường, phải bảo vệ lợi ích và cuộc sống của người dân. Các bộ, ngành, địa phương phải thẳng thắn nhìn nhận thực tế ô nhiễm môi trường nhằm nhận thức rõ hơn, có trách nhiệm phù hợp hơn, xử lý bước đầu tình trạng ô nhiễm môi trường. Cùng với đó là nhìn nhận những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý Nhà nước, để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, phải xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý cấp phép, đặc biệt là vai trò của Bộ TN và MT, các Sở TN và MT và các cơ quan chức năng; trong đó, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải có trách nhiệm cao nhất và phải tự nêu rõ trách nhiệm hơn, không để tình trạng “cha chung không ai khóc”. Thủ tướng cũng nêu thách thức, khó khăn khi Việt Nam là nước đang phát triển, đặt ra vấn đề phải xác định kinh phí, công nghệ, nguyên tắc kết hợp vấn đề BVMT trong mọi lĩnh vực phát triển kinh tế, vì vậy cần phải lựa chọn được phương án BVMT trước mắt và lâu dài phát triển sao cho phù hợp với điều kiện, khả năng của đất nước. Đặc biệt các giải pháp xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường đặt ra phải phù hợp, vừa bảo đảm tuân thủ theo Luật BVMT và hướng đến bảo vệ cuộc sống người dân. Thủ tướng yêu cầu Bộ TN và MT tiếp thu các kiến nghị, giải pháp của các bộ, ngành, địa phương, tổng hợp để đưa vào Chỉ thị “Một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về BVMT” trình Chính phủ ký ban hành vào tuần sau. Lãnh đạo các địa phương phải quán triệt Nghị quyết 24-NQ/TW của Trung ương để ra nghị quyết chuyên đề về BVMT; phải xây dựng kế hoạch rà soát để chủ động giải quyết vấn đề môi trường ở địa bàn. Các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ TN và MT, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, các Sở TN và MT phải phân công thanh tra, kiểm tra, đôn đốc xử lý vấn đề môi trường hiệu quả, không chồng chéo. Bộ trưởng các bộ, Chủ tịch UBND các địa phương phải chịu trách nhiệm về vấn đề ô nhiễm môi trường địa bàn mình phụ trách; nhất là vấn đề nước thải, rác thải để bảo vệ cuộc sống người dân một cách chủ động thay vì để các vụ việc xảy ra rồi mới đi giải quyết. Phải huy động sự chung sức vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân để xử lý các vấn đề khó khăn, yếu kém, tạo chuyển biến căn bản trong ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi ô nhiễm môi trường. Các địa phương ngay lập tức phải có giải pháp xử lý ngắn hạn và dài hạn; kiên quyết không thu hút đầu tư bằng mọi giá, không chấp nhận các dự án gây ô nhiễm môi trường, nhất là ở những vùng nhạy cảm./.
Thanh Thúy