Sáng 9-8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân phúc đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch được tổ chức tại Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, với sự tham dự của các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các tỉnh, thành phố trên cả nước và hàng trăm doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đây là lần đầu tiên một hội nghị quy mô lớn toàn quốc với sự tham dự đông đủ của đại diện các bộ, ngành địa phương và doanh nghiệp cả nước.
Bên cạnh những thành công bước đầu của ngành như du lịch đang đóng góp 6,6% GDP cả nước, tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp đến 2,25 triệu người, giá trị xuất khẩu đến 8,5 tỷ USD, đón được gần 8 triệu lượt khách du lịch trong năm 2015, Thủ tướng nhấn mạnh, Hội nghị lần này phải đánh giá, nhìn nhận nghiêm túc những yếu kém của ngành. Không để tình trạng bất cập trong phát triển du lịch, trong đó có tình trạng khách du lịch “một đi không trở lại”. Đó là những vấn đề về môi trường, chèo kéo khách, vấn đề giá cả, quản lý an toàn cho du khách...
Thủ tướng cũng cho rằng, ngành du lịch trong nước cần nhìn vào kinh nghiệm du lịch những nước trong khu vực, Thái Lan đã thu hút 30 triệu khách quốc tế, Ma-lai-xi-a đón 26 triệu khách, Xinh-ga-po 15 triệu khách. Không phủ nhận những nỗ lực của ngành du lịch trong nước so với những năm đầu phát triển du lịch, nhưng phải nhìn vào khu vực để phấn đấu, có giải pháp thúc đẩy du lịch trong nước phát triển quy mô lớn, phấn đấu đóng góp 10% vào GDP cả nước.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng nêu rõ, hội nghị này không bàn đến thành tích, mà yêu cầu các đại biểu đánh giá những bất cập, khó khăn, từ đó xác định giải pháp rõ và cụ thể hơn để phát triển ngành du lịch, tạo khí thế làm việc mới, tiến tới chấm dứt những tồn tại bất cập của ngành, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc hội nghị. |
Nói về chủ ý của Chính phủ tổ chức hội nghị du lịch tại khu vực Quảng Nam, Đà Nẵng, Thủ tướng lưu ý các địa phương cần huy động cộng đồng làm du lịch và phát triển các thương hiệu du lịch lớn.
Thủ tướng nêu rõ: “Trong 3 yếu tố quan trọng phát triển du lịch thì có yếu tố cộng đồng làm du lịch. Cộng đồng ở Quảng Nam - Đà Nẵng ứng xử với khách rất vui vẻ, thân thiết với du khách. Điều đó rất quan trọng đối với phát triển du lịch. Do đó phải rút kinh nghiệm từ cộng đồng làm du lịch hiệu quả từ ngay Hội An. Thứ hai là phải xây dựng thương hiệu du lịch. Đà Nẵng đang làm thương hiệu du lịch tốt. Do đó phải xác định những cách làm thương hiệu tốt. Cơ quan quản lý Nhà nước phải xác định nhiệm vụ phải làm để tạo dựng và phục vụ sự phát triển. Do đó phải bàn đến việc xây dựng thương hiệu, xây dựng doanh nghiệp vững mạnh, quy mô. Trăm hoa đua nở, mọi người đua chen làm du lịch, nhưng nếu không có thương hiệu lớn thì khó phát triển. Những tập đoàn khách sạn lớn thế giới, đi đâu họ cũng quảng bá thương hiệu rất tuyệt vời. Chính vì thế du khách tìm tới họ, nơi có mặt họ là có sự văn minh trong phục vụ, trong chất lượng”.
Nhấn mạnh ngành du lịch có tính hội nhập sâu rộng, tính xã hội hóa cao, tính liên ngành lớn, Thủ tướng lưu ý phát triển du lịch không thể “đơn độc”. Công tác quản lý Nhà nước phải tạo điều kiện cho du lịch phát triển, trong đó tạo điều kiện phát triển các thương hiệu du lịch lớn, tạo dựng các doanh nghiệp quy mô, mang tầm cỡ khu vực và thế giới, chất lượng dịch vụ tốt được khách du lịch biết, tin cậy và tìm đến.
Theo báo cáo của Bộ VH, TT và DL, ngành Du lịch Việt Nam có khá nhiều con số ấn tượng. Năm ngoái, lượng khách quốc tế là trên 7,9 triệu lượt, khách nội địa là 57 triệu lượt. Chỉ nửa đầu năm nay, khách quốc tế đã là 5,5 triệu lượt, khách nội địa trên 38 triệu lượt. Tổng doanh thu nửa đầu năm là trên 235 nghìn tỷ đồng, tăng gần 23% so với cùng kỳ năm 2015.
Ngành du lịch đóng góp trực tiếp vào GDP 6,6%, lan tỏa và gián tiếp đóng góp tới gần 14%. Ngành du lịch tạo 2,25 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp. Đến nay, cả nước có 1.555 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, hơn 20.100 cơ sở lưu trú.
Trong nhiều lần làm việc với các địa phương thời gian qua, Thủ tướng luôn nhấn mạnh việc các địa phương tận dụng các lợi thế, thúc đẩy phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc, các địa phương phải tuyên truyền, thu hút cả cộng đồng làm du lịch với việc đảm bảo môi trường sạch sẽ, người dân sống ngăn nắp, chân thành, thân thiện với du khách. Cùng với đó là xây dựng các thương hiệu du lịch, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách./.
Tin, ảnh: TTXVN