Ngày 18-8-2016, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT (BCĐ) tổ chức họp trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố miền núi phía Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh bàn giải pháp ứng phó với cơn bão số 3 (tên gọi quốc tế là Dianmu). Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng BCĐ chủ trì cuộc họp. Dự họp có đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT, Phó trưởng BCĐ và lãnh đạo các bộ, ngành thành viên. Tham dự hội nghị tại đầu cầu tỉnh ta có các đồng chí: Phạm Đình Nghị, Phó Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCH PCTT-TKCN tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban TVTU: Ngô Gia Tự, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Thiếu tướng Đặng Văn Sinh, Giám đốc Công an tỉnh; đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó ban Thường trực BCH PCTT-TKCN tỉnh; các thành viên BCH PCTT-TKCN tỉnh; Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo các huyện, Thành phố Nam Định.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo cuộc họp khẩn đối phó bão số 3 |
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, 7 giờ sáng 18-8, bão số 3 đang mạnh cấp 8, giật cấp 10-11, vẫn chưa đi vào Vịnh Bắc Bộ và còn cách bờ biển Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 320-350km. Đây là cơn bão khó lường, có nhiều khác biệt với bão số 1 vừa qua, hoàn lưu bão rộng trên 200km nên phạm vi ảnh hưởng rất rộng. Dự báo khi vào bờ, lốc xoáy bão số 3 sẽ ít hơn bão số 1 nhưng gió giật mạnh hơn, ở cấp 12-14. Bắt đầu từ đêm18-8, hoàn lưu bão sẽ gây mưa lớn trải khắp các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An, lượng mưa 100-200m và sáng 19-8, chậm nhất là trưa 19-8 bão số 3 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các địa phương này. Đáng lưu ý, bão đổ bộ khi triều cường dâng cao, đặc biệt từ Hải Phòng - Thanh Hoá nước biển dâng 3-4m, kết hợp với sóng biển cao 3-5m sẽ tạo nguy cơ cộng hưởng giữa bão và triều cường gây sức ép cho đê điều khi hầu hết hệ thống đê hiện nay mới chỉ đáp ứng được bão cấp 10, một số ít đoạn trung tâm chịu được bão cấp 11. Theo báo cáo của đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại hội nghị: tỉnh Nam Định chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3 vào lúc triều cường, đe dọa đến toàn bộ hệ thống đê biển của tỉnh, nguy cơ thiệt hại rất lớn, yêu cầu công tác phòng, chống phải được triển khai quyết liệt, đồng bộ, nghiêm túc. Để chủ động đối phó với diễn biến của bão số 3, trong những ngày qua tỉnh đã bám sát thông tin dự báo thời tiết, tập trung chỉ đạo và đã thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống. BCH PCTT và TKCN tỉnh đã có Công điện số 07/CĐ-PCTT hồi 17 giờ ngày 17-8 chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường các giải pháp phòng chống bão và nguy cơ lũ lụt do bão gây ra. Tỉnh đã tập trung tuyên truyền, thông báo đến toàn hệ thống chính quyền và nhân dân toàn tỉnh nắm bắt thông tin, chủ động biện pháp phòng, chống bão. Thực hiện lệnh cấm biển, kêu gọi tàu, thuyền và người dân tại các còi canh trên biển, vùng nuôi thủy sản về tránh trú. Đến 8 giờ ngày 18-8, toàn tỉnh còn khoảng 300 tàu, thuyền chưa về neo đậu, tránh trú; dự kiến đến trưa ngày 19-8 toàn bộ tàu, thuyền và người dân tại các chòi canh sẽ hoàn tất neo đậu, tránh trú tại khu vực an toàn. Tỉnh đã khẩn trương sơ tán các hộ dân sinh sống tại khu nhà ở nguy hiểm trên địa bàn Thành phố Nam Định, dự kiến hoàn tất sơ tán dân đến nơi tránh trú an toàn trước 12 giờ trưa ngày 19-8. Các địa phương đã tập trung làm tốt công tác tiêu thoát nước. Do có 91km đê biển nên ngay từ chiều ngày 18-8 các địa phương đã chủ động thực hiện các biện pháp cấp bách để bảo đảm an toàn cho hệ thống đê kè nguy hiểm. Để công tác phòng, chống bão đạt hiệu quả cao, tỉnh xin ý kiến BCĐ về việc khẩn trương đưa vật tư vào sửa chữa theo phương án cấp bách đối với kè Quy Phú trên tuyến đê biển Hải Hậu do đây là điểm xung yếu, đặc biệt nguy hiểm…
Kết luận tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng biểu dương tinh thần chủ động tích cực phòng, chống cơn bão số 3 của các địa phương ngay từ khi có tin áp thấp nhiệt đới chuyển thành bão, đã triển khai và hoàn tất nhiều việc. Phó Thủ tướng đánh giá đây là cơn bão lớn, nếu không chủ động thiệt hại sẽ rất nghiêm trọng, đặc biệt là hiện tượng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi do mưa kéo dài làm đất bão hoà. Do đó để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, Phó Thủ tướng yêu cầu cơ quan khí tượng thủy văn theo sát diễn biến mưa lũ, dự báo kịp thời, chính xác đến cơ quan thông tấn và các cơ quan liên quan để chủ động ứng phó. Các cơ quan truyền thông phải liên tục cập nhật các bản tin dự báo để người dân biết và ứng phó. Đồng thời, yêu cầu Bộ NN và PTNT phối hợp lực lượng biên phòng, các địa phương kiểm đếm tàu, thuyền trên biển, yêu cầu di chuyển vào nơi tránh trú an toàn. Tập trung thực hiện ngay các biện pháp cấp bách đảm bảo an toàn đê sông, đê biển; bảo đảm vận hành an toàn, không để bị tràn hệ thống hồ đập; chủ động tiêu nước ngập, chống ngập úng cho sản xuất; chủ động phòng chống lũ cho hạ du. Bộ Công thương triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho hệ thống điện, hệ thống hầm, lò; chủ động dự trữ hàng hóa thiết yếu để cung cấp khi có nhu cầu. Bộ Xây dựng hướng dẫn, phối hợp cùng các địa phương bảo đảm an toàn hệ thống hồ, đập thủy lợi và các công trình thiết yếu của đất nước. Ngành GTVT bảo đảm an toàn hệ thống tàu, thuyền trên biển, bảo đảm an toàn neo đậu đúng kỹ thuật; tập trung bảo đảm công trình giao thông an toàn, thông suốt, khắc phục khẩn trương nếu xảy ra sự cố giao thông. Bộ Công an chủ động hướng dẫn, điều phối bảo đảm giao thông lưu thông an toàn, ngập lụt. Lực lượng vũ trang, bộ đội các địa phương phải xác định nhiệm vụ là lực lượng chủ chốt trong công tác PCTT-TKCN. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các địa phương trong vùng ảnh hưởng cơn bão số 3 thường xuyên cập nhập thông tin, chủ động ứng phó với diễn biến của bão. Đặc biệt chú trọng các giải pháp sơ tán người, tài sản vùng xung yếu khi cần thiết, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão và hoàn lưu bão gây ra.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, đồng chí Phạm Đình Nghị yêu cầu: Toàn tỉnh phải thực hiện nghiêm các chỉ đạo của BCĐ Trung ương về PCTT, Ủy ban quốc gia TKCN; tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số 07/CĐ-PCTT của BCH PCTT-TKCN tỉnh. Các ngành, các địa phương hoãn tất cả các cuộc họp không cần thiết, tập trung phòng, chống bão từ chiều ngày 18-8. Tăng thời lượng tuyên truyền để các cấp chính quyền và người dân nắm bắt kịp thời về diễn biến, hướng di chuyển của bão và thông tin chỉ đạo của các cấp chính quyền để người dân nắm bắt, chủ động phòng, chống. Các đồng chí thành viên BCH PCTT-TKCN tỉnh bám sát địa bàn được phân công để phối hợp với lãnh đạo các địa phương chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác triển khai chống bão. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh rà soát, kiểm đếm, yêu cầu các loại tàu thuyền vào nơi neo đậu, tránh trú; 100% người canh coi vây vạng, sản xuất trên biển vào bờ; cấm hoạt động tham quan, du lịch, tắm ở khu vực bãi biển từ 8 giờ ngày 19-8. Các sở, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động triển khai các phương án phòng, chống bão theo quy định. Chú trọng bảo đảm an toàn phòng, chống bão tại 3 huyện ven biển; Thành phố Nam Định chủ động thực hiện phương án sơ tán người dân ở các nhà yếu nhà tạm, nhà không an toàn và chú ý công tác chống úng, thoát nước; phải tập trung chằng chống các cây mới dựng lại sau bão số 1. Các địa phương huy động nhân lực, chuẩn bị vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động ứng phó với bão. Hoàn thiện việc xử lý giờ đầu đối với các điểm đê, kè bị sạt, lở trước 13 giờ ngày 19-8. Các Cty TNHH một thành viên KTCTTL tiếp tục vận hành toàn bộ hệ thống tiêu rút triệt để nước ruộng; chủ động các phương án chống ngập úng./.
Thanh Thúy