Trong thời gian qua, những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong đảm bảo quyền con người được thừa nhận rộng rãi. Việt Nam được Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-mun đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.
Thông tin trên được Vụ Các tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao) đưa ra tại hội nghị cung cấp thông tin về công tác nhân quyền cho báo chí ngày 28-7 tại Hà Nội.
Những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức khá, thu nhập bình quân đầu người từ 1.024 USD/năm (2008) đã tăng lên 2.200 USD (ước tính năm 2016), gia nhập nhóm các nước thu nhập trung bình thấp từ năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 13,7% năm 2008 còn dưới 5% vào 2015.
Cũng theo thông tin từ Vụ Các tổ chức quốc tế, hiện Việt Nam tham gia 7/9 công ước quốc tế cơ bản về quyền con người và tuân thủ nghiêm túc các cam kết quốc tế về quyền con người. Hiện, Việt Nam đang hoàn chỉnh báo cáo quốc gia theo Công ước ICCPR (Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị) và trong quá trình xây dựng báo cáo quốc gia theo Công ước chống tra tấn (CAT).
Ngoài ra, Việt Nam cũng tham gia 20 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong đó có 5 công ước cơ bản về các vấn đề lao động, việc làm như lao động trẻ em, lao động cưỡng bức, phân biệt đối xử…; nghiêm túc thực hiện cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ I và II. Tại báo cáo UPR chu kỳ II, Việt Nam chấp nhận 182/227 khuyến nghị (chiếm hơn 80%). Thủ tướng Chính phủ cũng đã thông qua Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước CAT và Kế hoạch tổng thể triển khai các khuyến nghị UPR chu kỳ II.
Với những nỗ lực của mình, Việt Nam được tín nhiệm bầu làm thành viên tại nhiều cơ chế quan trọng của LHQ về quyền con người như Hội đồng Nhân quyền 2014-2016, Hội đồng Kinh tế - Xã hội 2016-2018…
Tại Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam được các quốc gia đánh giá cao về cách tiếp cận, ủng hộ đối thoại và hợp tác trong vấn đề quyền con người; khẳng định dấu ấn trên nhiều vấn đề, đặc biệt liên quan tới quyền kinh tế - xã hội, quyền phát triển.
Bên cạnh những thành tựu trên, Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin của người dân. Về tôn giáo, luật pháp nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân.
Hiến pháp cũng quy định quyền tự do lập hội, hội họp và việc này được bảo vệ bằng nhiều văn bản luật và dưới luật. Tính đến hết năm 2015, Việt Nam có khoảng hơn 52.500 hội và hiện dự thảo Luật về Hội đang được xây dựng. Ngoài ra, Việt Nam cũng luôn nỗ lực và đạt nhiều thành tựu trong việc đảm bảo quyền của các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật và LGBT./.
Theo TTXVN