Khẩn trương, chủ động khắc phục thiệt hại của cơn bão số 1

03:07, 29/07/2016

Ngày 28-7-2016, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp chỉ đạo triển khai khắc phục thiệt hại của cơn bão số 1. Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.

Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận buổi họp.
Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận buổi họp. Ảnh: Ngọc Ánh

Đêm ngày 27-7, rạng sáng ngày 28-7, cơn bão số 1 (có tên quốc tế là Mirinae) đã đổ bộ vào tỉnh ta. Cấp gió của cơn bão theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn tỉnh đo được tại các huyện ven biển mạnh cấp 12, giật cấp 13; ở Thành phố Nam Định gió cấp 8-9, giật cấp 12. Thời gian bão di chuyển chậm. Lượng mưa bình quân toàn tỉnh đo được đến 7 giờ sáng ngày 28-7 là 150mm. Về công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống bão, từ ngày 25 đến 27-7 khi có thông tin về cơn bão và sau hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT và TKCN, tỉnh đã ban hành các công điện chỉ đạo các địa phương, các sở, ngành và các Cty KTCTTL thường xuyên cập nhật thông tin, tăng cường thông báo cho các chủ phương tiện đang hoạt động trên biển; kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trong vịnh Bắc Bộ vào nơi tránh trú; hướng dẫn sắp xếp việc neo đậu đảm bảo an toàn cho các tàu thuyền về bến xong trước 13 giờ ngày 27-7. Kiểm tra, đôn đốc triển khai các công tác phòng chống bão của các địa phương. Chỉ đạo các Cty KTCTTL tập trung bơm tiêu rút nước đệm, sẵn sàng phương tiện, nhân lực chống úng, tích cực bảo vệ lúa mới cấy và hoa màu. Phát hiện, xử lý ngay từ giờ đầu các sự cố đê kè, công trình thủy lợi theo phương châm “4 tại chỗ”. Các đồng chí trong BCH PCTT-TKCN tỉnh đã trực tiếp xuống các địa bàn được phân công để chỉ đạo phòng chống bão. Kết quả đến 11 giờ ngày 27-7 toàn bộ 2.034 tàu thuyền với 5.215 lao động của tỉnh đã về các bến neo đậu trong và ngoài tỉnh để tránh trú bão; 11 giờ ngày 27-7 cấm biển. Đến 16 giờ ngày 27-7, tất cả 881 lao động ở 732 chòi canh trông coi đầm bãi về hết trong đê tránh trú bão. Các địa phương đã đôn đốc các hộ có nhà cửa xung yếu chuyển đến các gia đình có nhà kiên cố và các cơ sở, trụ sở trường học để đảm bảo an toàn khi bão đổ bộ. Các điểm du lịch nghỉ mát di dời khách và nhân viên nhà hàng cơ bản hoàn thành trước 17 giờ ngày 27-7. Các nhà cửa, trường học, công trình công cộng được chằng chống cẩn thận trước khi bão đổ bộ. Các Cty KTCTTL đã thực hiện tiêu rút nước đệm theo đúng quy trình… Tuy nhiên do cấp gió lớn, bão di chuyển chậm nên thời gian gây hại kéo dài.

Cột điện ly tâm bị bẻ gãy tại đường Hưng Yên
Cột điện ly tâm bị bẻ gãy tại đường Hưng Yên. Ảnh: Xuân Thu
Chân cầu Đò Quan ngập sâu trong nước
Chân cầu Đò Quan ngập sâu trong nước. Ảnh: Xuân Thu

Tổng hợp sơ bộ thiệt hại ban đầu được thống kê như sau: Về tàu bị nạn, có 7 tàu bị chìm, trong đó có 6 tàu của ngư dân, 1 tàu của cảnh sát đường thủy; 1 tàu bị mất tích; 4 tàu giao thông bị hư hỏng do sóng đánh đâm xô vào nhau; 75 bè mảng bị chìm. Có 445 lều chòi canh bị tốc mái; 5 lồng cá ở huyện Xuân Trường bị vỡ; 50ha nuôi thủy sản ở xã Xuân Hòa (Xuân Trường) bị ngập; 80ha nuôi thủy sản ở xã Giao Thiện (Giao Thủy) bị mất trắng. Bão số 1 cũng làm đê điều bị thiệt hại ở nhiều vị trí như: kè Hồng Hà (Mỹ Lộc); kè Quy Phú, Quán Các, Vị Khê, Tương Nam (Nam Trực); kè Mặt Lăng, Hợp Hoà, Lộ Xuyên, Phượng Tường (Trực Ninh); kè Hạc Châu, Phú Ân, Hạ Miêu, Ngô Đồng (Xuân Trường); kè Cống Chúa, Cồn 3, Cồn 4 (Giao Thủy) và đê bối Ngọc Lâm. Trên 74 nghìn ha lúa bị ngập úng, 8.500ha rau màu bị dập nát. Toàn tỉnh bị mất điện; đường điện trung thế bị đổ nghiêng 1.900 cột; cột hạ thế bị hư hỏng và gẫy đổ 13 nghìn cột; nhiều đường dây bị hư hỏng. Cây cối trên địa bàn toàn tỉnh bị đổ gẫy rất nhiều ảnh hưởng đến giao thông. 1 đồng chí CSGT đường thủy Công an tỉnh bị thương khi làm nhiệm vụ. Cơ sở vật chất văn hóa, thể thao, du lịch, viễn thông bị thiệt hại nặng nề… Hiện các ngành, địa phương đang tiếp tục kiểm tra, thống kê, tổng hợp chi tiết các thiệt hại.

Công nhân Cty TNHH một thành viên Môi trường Nam Định thu gom rác thải, cây xanh sau bão. Ảnh: Xuân Thu
Công nhân Cty TNHH một thành viên Môi trường Nam Định thu gom rác thải, cây xanh sau bão. Ảnh: Xuân Thu

Phát biểu tại buổi họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống bão từ tỉnh đến huyện, các sở, ngành được triển khai kịp thời, đồng thời biểu dương 3 huyện ven biển, lực lượng Công an, BĐBP, Quân đội, ngành NN và PTNT có nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống, ứng phó với cơn bão số 1. Để khắc phục thiệt hại do bão số 1 gây ra, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các huyện phía nam tỉnh tận dụng chân triều để tiêu thoát nước; các huyện phía bắc tỉnh huy động tối đa các máy bơm dã chiến và các phương tiện gầu guồng phục vụ việc tiêu úng cứu lúa. Ngành điện bằng mọi biện pháp khôi phục lưới điện sớm nhất, ưu tiên nguồn điện cho các trạm bơm để tiêu úng. Các lực lượng Công an, Quân đội phối hợp chặt chẽ với các huyện khắc phục hậu quả sau bão. Các địa phương tập trung dọn cây cối gẫy đổ đảm bảo giao thông thông suốt. Ngành NN và PTNT rà soát lại các tuyến đê điều; các địa phương rà soát lại các công trình: trường học, nhà văn hóa;… và phải chủ động khắc phục bằng lực lượng, kinh phí của mình. Sở Tài chính phối hợp với Sở NN và PTNT tổng hợp các thiệt hại báo cáo Trung ương; tính toán có phương án hỗ trợ các huyện, các ngành khắc phục thiệt hại, sớm ổn định đời sống và sản xuất./.

 Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com