Ngày 15-7-2016, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai kế hoạch phát triển phòng khám bác sĩ gia đình giai đoạn 2016-2020. Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế; đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có lãnh đạo Sở Y tế, BHXH tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Trung tâm y tế các huyện, thành phố.
Toàn cảnh hội nghị. |
Bác sĩ gia đình là bác sĩ đa khoa thực hành, chăm sóc toàn diện và liên tục cho người bệnh, là những thầy thuốc gắn với dân và gần dân nhất. Ở nhiều nước trên thế giới 70% nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân do bác sĩ gia đình đảm nhận. Ở nước ta các bệnh lây nhiễm, suy dinh dưỡng vẫn ở mức khá cao, trong khi nhóm các bệnh không lây nhiễm và tai nạn thương tích tăng nhanh dẫn đến nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ngày càng tăng. Từ thực tiễn bước đầu tiếp cận mô hình bác sĩ gia đình ở nước ta và kinh nghiệm ở các nước trên thế giới, ngày 22-3-2013 Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án: “Xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại Việt Nam giai đoạn 2013-2020” tại Quyết định số 935/2013/QĐ-BYT. Qua 3 năm triển khai, đến nay cả nước đã có 336 phòng khám bác sĩ gia đình được thành lập tại 6 tỉnh, thành phố. Trong đó có 234 phòng khám bác sĩ gia đình công lập gắn với cơ sở khám, chữa bệnh thuộc bệnh viện, phòng khám đa khoa công lập, trạm y tế, đã thực hiện thanh toán BHYT do các cơ sở khám, chữa bệnh này đang được tham gia cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT. Các phòng khám bác sĩ gia đình đã tổ chức hoạt động theo nguyên lý y học gia đình; phạm vi hoạt động chuyên môn của phòng khám bác sĩ gia đình theo mô hình của Bộ Y tế quy định, gồm: Thực hiện khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám sàng lọc và bước đầu quản lý sức khỏe cho các cá nhân, gia đình và cộng đồng, hướng tới quản lý toàn diện và liên tục. Tại các phòng khám bác sĩ gia đình, người dân được tư vấn chu đáo, hướng dẫn tận tình. Giai đoạn 2016-2020, mô hình phòng khám bác sĩ gia đình sẽ được nhân rộng trên toàn quốc nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu và giảm quá tải bệnh viện. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là kiện toàn, thành lập các mô hình phòng khám bác sĩ gia đình: Trạm y tế tuyến xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân, phòng khám bác sĩ gia đình thuộc bệnh viện đa khoa Nhà nước. Đây là cơ sở bảo đảm đến năm 2020 có khoảng 80% các tỉnh, thành phố triển khai mô hình phòng khám bác sĩ gia đình trên phạm vi toàn tỉnh. Trong năm 2016, Bộ Y tế chỉ đạo tiếp tục kiện toàn, thành lập phòng khám bác sĩ gia đình tại 8 tỉnh, thành phố thí điểm. Tập trung triển khai, hoàn thiện và đi vào hoạt động có hiệu quả 40 trạm y tế xã, phường thực hiện nguyên lý y học gia đình của Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hải Phòng và tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngoài 8 tỉnh, thành phố thí điểm, các tỉnh, thành phố khác nếu có điều kiện và nhu cầu triển khai phòng khám bác sĩ gia đình thì xây dựng kế hoạch, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt và báo cáo Bộ Y tế để tổ chức thực hiện theo đúng các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, việc thực hiện Đề án: “Xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại Việt Nam giai đoạn 2013-2020” là một chủ trương lớn của ngành Y tế và nhấn mạnh: Thời gian tới, các địa phương triển khai kế hoạch phát triển phòng khám bác sĩ gia đình cần phát huy vai trò của các trạm y tế cơ sở; các địa phương và ngành Y tế cần đầu tư trang thiết bị và nguồn nhân lực phù hợp với thực tế ở từng vùng, nhất là các trạm y tế ở vùng sâu, vùng xa; chú trọng đào tạo bác sĩ chuyên ngành y học gia đình và có cơ chế thu hút bác sĩ giỏi về làm việc tại các trạm y tế cơ sở. Ngành Y tế cần rà soát lại các quy định gây vướng mắc khi triển khai công tác phát triển phòng khám bác sĩ gia đình. Đẩy mạnh việc tư vấn trực tiếp hoặc gián tiếp về khám, chữa bệnh, phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân và cộng đồng, đặc biệt ở vùng nông thôn, miền núi./.
Viết Dư