Theo bà Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, vắc-xin bại liệt 2 tuýp mới (1 và 3) sẽ thay thế vắc-xin 3 tuýp (1, 2 và 3) và được sử dụng tương tự như lịch tiêm vắc-xin bại liệt 3 tuýp.
Cụ thể, mỗi trẻ sẽ được uống 3 liều khi 2, 3, 4 tháng tuổi tại các điểm tiêm chủng xã, phường, mỗi lần 2 giọt. Trẻ đang uống vắc-xin cũ có thể chuyển sang uống loại mới mà không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Đối với trẻ đã uống 2 liều vắc-xin bại liệt 3 tuýp, thì từ tháng 6 uống liều vắc-xin mới tiếp theo để đủ 3 liều cho trẻ dưới một tuổi mà không phải uống lại từ đầu. Trẻ đã uống đủ 3 liều vào tháng 4 hoặc tháng 5 mới đây thì chỉ cần uống tiếp một hoặc 2 liều vắc-xin bại liệt mới. Việc chỉ định liều uống này sẽ do cán bộ y tế hướng dẫn các bậc phụ huynh.
Bà Dương Thị Hồng cũng cho biết, trẻ được uống vắc-xin đủ liều sẽ có miễn dịch bền vững suốt đời. Phản ứng sau khi uống vắc-xin này rất hiếm gặp.
Đại diện Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia cũng cho biết việc chuyển đổi vắc-xin bại liệt này nhằm bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt ở Việt Nam và hướng tới mục tiêu thanh toán bệnh bại liệt trên toàn cầu. Để giảm tối đa nguy cơ mắc bệnh tuýp 2, từ năm 2018, Việt Nam sẽ triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng vắc-xin bại liệt bất hoạt dạng tiêm trong đó có cả 3 tuýp vi-rút và vẫn sử dụng song song 2 tuýp vắc-xin bại liệt uống. Việc phối hợp dùng cả 2 loại dạng uống và tiêm sẽ giúp củng cố được miễn dịch cho cả 3 tuýp vắc-xin mà vẫn bảo đảm an toàn.
Bệnh bại liệt là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bệnh rất dễ lây truyền qua đường tiêu hóa và để lại di chứng nặng nề. Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay là uống hoặc tiêm vắc-xin bại liệt. Hiện nay, mỗi năm ở nước ta có trên 1,5 triệu trẻ được uống vắc-xin bại liệt trong Chương trình tiêm chủng mở rộng./.
Theo vnexpress.net