Nắng nóng gay gắt trên diện rộng cùng với môi trường ô nhiễm và mất vệ sinh an toàn thực phẩm tại nhiều nơi đang khiến nhiều dịch bệnh nguy hiểm như: viêm não, tiêu chảy cấp, cúm, tay chân miệng, sốt xuất huyết... có nguy cơ bùng phát, làm nhiều người mắc và tử vong.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong số các dịch bệnh mùa nắng nóng, đáng lo ngại nhất hiện nay là dịch bệnh viêm não. Tính từ đầu năm tới nay, cả nước cũng đã ghi nhận trên 215 trẻ mắc viêm não, trong đó có 2 trẻ mắc viêm não Nhật Bản B. Đây là một căn bệnh nguy hiểm, tỷ lệ tử vong và để lại di chứng cao ở trẻ nhỏ trong khi đó các chuyên gia y tế cảnh báo, mùa hè là giai đoạn cao điểm của viêm não, trong đó có viêm não Nhật Bản. Do dó, biện pháp phòng bệnh viêm não hiệu quả nhất hiện nay là tiêm vắc-xin phòng bệnh. Các bậc phụ huynh cần cho trẻ đi tiêm vắc-xin đầy đủ và đúng lịch, tránh để dịch bùng phát mới cho trẻ tiêm chủng thì hiệu quả sẽ thấp hơn.
Trẻ cần được tiêm ngừa đầy đủ |
Cùng với dịch bệnh viêm não, thời tiết nắng nóng cũng khiến cho bệnh dại có nguy cơ bùng phát khi vắc-xin dại đang khan hiếm tại một số địa phương do nguồn cung vắc-xin bị giảm sút. Đáng chú ý, đến nay đã có tới 26 người chết vì bệnh dại trong 5 tháng đầu năm và dự báo tử vong do bệnh dại sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, hiện ngành Y tế đang khẩn trương khắc phục tình trạng khan hiếm vắc-xin, đồng thời chỉ đạo các điểm tiêm chủng đã có vắc-xin dại (do Ấn Độ sản xuất) tạm thời chỉ sử dụng cho người có chỉ định tiêm.
Dự kiến đến cuối tháng 6 này, sẽ có thêm 250 nghìn liều vắc-xin dại do Cty Sanofi - Pháp sản xuất, được nhập về nước. Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cũng cảnh báo, với người đã bị bệnh dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% nên người dân cần chủ động thực hiện biện pháp phòng chống như: tiêm phòng dại cho chó, mèo đầy đủ; chó nuôi phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm; không nên đùa nghịch, chọc phá các con vật nuôi; khi bị chó, mèo cắn cần rửa vết thương dưới vòi nước ngay lập tức với xà phòng liên tục trong 15 phút, rửa sạch vết thương với cồn 70%, hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.
Mặc dù là dịch bệnh lưu hành quanh năm nhưng hiện nay, dịch bệnh sốt xuất huyết cũng đang vào giai đoạn cao điểm. Tính đến đầu tháng 6, cả nước đã ghi nhận trên 36.220 người mắc sốt xuất huyết, trong đó có 11 người tử vong. Đáng chú ý, so với cùng kỳ năm 2015, số người mắc sốt xuất huyết năm nay trên cả nước tăng 2,9 lần. Đặc biệt, các trường hợp mắc sốt xuất huyết ghi nhận nhiều nhất tại khu vực miền Nam, chiếm tới 63% số ca mắc của cả nước và những trường hợp tử vong đều do nhập viện muộn nên việc cấp cứu ít hiệu quả.
Bộ Y tế cũng cảnh báo, thời gian tới, dịch sốt xuất huyết sẽ còn diễn biến rất phức tạp và có xu hướng gia tăng, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam do đang là mùa mưa, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển mạnh và truyền bệnh. Trong khi hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc-xin phòng bệnh. Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay là ngăn chặn muỗi đốt như diệt muỗi, bọ gậy, loăng quăng. Bộ Y tế cũng đề nghị người dân cần hợp tác chặt chẽ cùng ngành Y tế để diệt muỗi, bọ gậy, loăng quăng phòng bệnh sốt xuất huyết. Người dân cũng nên chủ động đến các cơ sở y tế khi xuất hiện triệu chứng như sốt cao, mệt mỏi, nhức đầu, đau hốc mắt, đau cơ kèm theo đau họng, buồn nôn và tiêu chảy… để được khám, điều trị kịp thời, nhằm giảm thiểu biến chứng dẫn tới tử vong do căn bệnh nguy hiểm này gây ra./.
Theo SGGP